Đau cổ họng là gì? Nguyên nhân và cách xử trí đau cổ họng
Đau trong cổ họng là một trong những triệu chứng phổ biến nhất. Hầu hết đau cổ họng là do nhiễm trùng gây viêm, hoặc do các yếu tố môi trường như không khí khô. Mặc dù đau họng có thể gây khó chịu nhưng thường sẽ tự khỏi.
Những dấu hiệu và triệu chứng của đau cổ họng
Các triệu chứng của đau họng có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân. Đau họng có thể cảm thấy:
- Cổ họng bị trầy xước gây đau và khó chịu.
- Cảm giác nóng rát cổ họng.
- Đau hơn khi nuốt hoặc nói.
- Cổ họng hoặc amidan của bạn cũng có thể có màu đỏ.
- Đôi khi, các mảng trắng hoặc vùng có mủ sẽ hình thành trên amidan. Những mảng trắng này thường gặp ở viêm họng liên cầu hơn là viêm họng do virus.
Tác động của đau cổ họng đối với sức khỏe
Đau cổ họng khiến bệnh nhân khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, mặc dù đau cổ họng có thể tự khỏi. Ngoài ra, đau cổ họng có thể dẫn đến các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, hắt xì, ho, sốt, ớn lạnh, sưng hạch ở cổ, giọng khàn, nhức mỏi cơ thể, đau đầu, khó nuốt, chán ăn,…
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh đau cổ họng
Đau cổ họng có thể gây sưng viêm và bội nhiễm. Đau cổ họng kéo dài có thể là dấu hiệu của ung thư vòm họng, cần phải thăm khám bác sĩ nếu đau cổ họng kéo dài.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Những ai có nguy cơ mắc phải đau cổ họng?
Những người làm công việc mà thường xuyên ảnh hưởng trực tiếp đến cổ họng như ca sĩ, các huấn luyện viên và giáo viên thể dục,…
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau cổ họng
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đau cổ họng, bao gồm:
- Nói hoặc la hét ở cường độ cao, kéo dài.
- Nhiễm trùng vòm miệng, cổ họng.
- Ăn thực phẩm cay nóng hoặc dị ứng.
Nguyên nhân dẫn đến đau cổ họng
Nguyên nhân của viêm họng rất đa dạng từ nhiễm trùng đến chấn thương. Trong đó đau họng do virus (chiếm từ 60 - 80% trường hợp) hay đau họng do vi khuẩn (thường do bội nhiễm sau bị nhiễm virus). Dưới đây là các nguyên nhân gây đau họng phổ biến nhất.
Cảm lạnh, cúm và các bệnh nhiễm virus khác
Vi rút gây ra khoảng 90% trường hợp viêm họng. Trong số các loại virus gây viêm họng là: cảm cúm, tăng bạch cầu đơn nhân, bệnh thủy đậu. Bệnh rất dễ lây bằng đường nước bọt và dịch mũi, họng. Hay gặp trong mùa lạnh.
Viêm họng và các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác
Nhiễm trùng do vi khuẩn cũng có thể gây ra viêm họng. Phổ biến nhất là viêm họng liên cầu, một bệnh nhiễm trùng họng và amidan do vi khuẩn Streptococcus nhóm A gây ra (khoảng 20%).
Viêm họng hạt gây ra gần 40% các trường hợp đau họng ở trẻ em. Viêm amidan và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu và chlamydia cũng có thể gây đau họng.
Dị ứng
Khi hệ thống miễn dịch phản ứng với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, cỏ và lông thú cưng, nó sẽ tiết ra các hóa chất gây ra các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mắt, hắt hơi và kích ứng cổ họng.
Chất nhầy dư thừa trong mũi có thể chảy xuống phía sau cổ họng. Hiện tượng này được gọi là chảy dịch mũi sau và có thể gây kích ứng cổ họng.
Không khí khô
Không khí khô có thể hút hơi ẩm từ miệng và cổ họng, khiến chúng có cảm giác khô và ngứa. Không khí khô thường gặp vào những tháng mùa đông khi máy sưởi chạy.
Khói thuốc, hóa chất và các chất gây kích ứng khác
Nhiều hóa chất khác nhau và các chất khác trong môi trường gây kích ứng cổ họng, bao gồm: Thuốc lá và khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, sản phẩm tẩy rửa và các hóa chất khác.
Tổn thương
Bất kỳ chấn thương nào tác động vùng cổ, có thể gây đau cổ họng. Việc mắc phải một mẩu thức ăn trong cổ họng cũng có thể khiến kích ứng.
Sử dụng lặp đi lặp lại làm căng dây thanh âm và cơ trong cổ họng. Có thể bị đau họng sau khi la hét, nói to hoặc hát trong một thời gian dài (các huấn luyện viên và giáo viên thể dục,…).
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản - ống dẫn thức ăn từ miệng đến dạ dày gây ra các triệu chứng như ợ chua và trào ngược axit - trào ngược axit vào cổ họng.
Khối u
Khối u ở cổ họng hoặc lưỡi là nguyên nhân ít phổ biến hơn gây đau họng. Khi đau họng là dấu hiệu của ung thư, triệu chứng đau sẽ kéo dài.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau cổ họng
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
Chế độ dinh dưỡng:
- Tránh ăn các thực phẩm cay nóng dễ kích ứng cuống họng trong quá trình bị đau.
Phương pháp phòng ngừa đau cổ họng hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Giữ ấm cổ họng.
- Súc họng bằng nước muối ấm, đặc biệt là sau khi nói nhiều hoặc la hét cường độ cao.
- Kiêng rượu, bia, thuốc lá.
- Ăn uống điều độ, tránh khói bụi, hơi độc.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau cổ họng
Khai thác tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng
Trong quá trình kiểm tra đau họng, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và sẽ sử dụng đèn để kiểm tra cổ họng xem bệnh nhân có mẩn đỏ, sưng tấy và các đốm trắng tại vùng cổ họng không. Bác sĩ cũng có thể sờ hai bên cổ để xem có bị sưng hạch hay không.
Xét nghiệm
Lấy mẫu dịch ở cổ họng để cấy dịch cổ họng giúp chẩn đoán chính xác hơn.
Phương pháp điều trị đau cổ họng hiệu quả
Đau họng có thể điều trị tại nhà
Các biện pháp khắc phục tại nhà cho chứng đau họng:
- Nghỉ ngơi nhiều để hệ thống miễn dịch có cơ hội chống lại nhiễm trùng.
- Để giảm đau do viêm họng: Súc miệng bằng hỗn hợp nước muối ấm hoặc thuốc kiềm hóa họng như nước muối sinh lý 0,9%, natribicacbonat, BBM,...
- Uống các loại nước ấm có tác dụng làm dịu cổ họng, chẳng hạn như trà nóng với mật ong, nước canh hoặc nước ấm với chanh. Trà thảo mộc đặc biệt làm dịu cơn đau họng.
- Hạn chế nói cho đến khi cổ họng tốt hơn.
- Uống vitamin C và vitamin A để tăng sức đề kháng niêm mạc.
Một số loại thuốc dùng cho điều trị đau cổ họng
- Giảm đau, hạ sốt: Acetaminophen (paracetamol).
- Kháng viêm NSAIDs: Ibuprofen, aspirin. Không cho trẻ em và thanh thiếu niên uống aspirin vì nó có liên quan đến một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye.
- Thuốc xịt trị đau họng có chứa chất khử trùng gây tê như phenol hoặc thành phần làm mát như tinh dầu bạc hà hoặc khuynh diệp.
- Thuốc ngậm trị viêm họng.
- Si-rô ho.
- Một số loại thảo mộc, bao gồm cây du trơn, rễ cây marshmallow và rễ cam thảo, được bán dưới dạng thuốc chữa đau họng.
- Thuốc làm giảm axit trong dạ dày có thể giúp giảm đau họng do GERD (nếu bị bệnh này). Bao gồm: Thuốc kháng axit để trung hòa axit trong dạ dày, thuốc chẹn H2 như cimetidine và famotidine để giảm sản xuất axit dạ dày, thuốc ức chế bơm proton (PPIs) như lansoprazole và omeprazole để ngăn chặn sản xuất axit.
- Kháng viêm corticosteroid liều thấp cũng có thể giúp giảm đau họng.
- Kháng sinh (nếu có nhiễm trùng).