Cháy nắng là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa


Cháy nắng được đặc trưng bởi ban đỏ, đôi khi và đau và phồng rộp do tiếp xúc với tia cực tím quá nhiều. Điều trị cháy nắng cũng tương tự như điều trị bỏng nhiệt, gồm có chườm lạnh, thuốc NSAIDs; đắp gạc vô trùng, kháng sinh tại chỗ nếu cháy nắng nặng. Phòng ngừa bằng cách tránh ánh nắng, dùng kem chống nắng.

Những dấu hiệu và triệu chứng của cháy nắng

Triệu chứng và dấu hiệu cháy nắng xuất hiện trong 1 – 24 giờ (trừ các phản ứng quá nặng), đỉnh điểm trong vòng 72 giờ (thông thường là từ 12 – 24 giờ). Trên da xuất hiện ban đỏ nhẹ, bong vảy da và tiếp theo là đau, sưng tấy và hình thành bọng nước.

Các triệu chứng nặng hơn như sốt, ớn lạnh, sốc, suy nhược và các triệu chứng tương tự bỏng nhiệt, lan rộng khắp các vùng da bị ảnh hưởng. Da bị cháy nắng nhiều thường bong da vài ngày sau đó. 

Biến chứng có thể gặp khi mắc cháy nắng

Biến chứng thường gặp nhất của cháy nắng là vết nám vĩnh viễn, nhiễm trùng thứ phát hay tăng đáng kể nguy cơ ung thư da. Vùng da bị bong rất dễ bị tổn thương do ánh nắng mặt trời trong vài tuần sau đó.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu các dấu hiệu và triệu chứng cháy nắng không thuyên giảm mà trở nên nghiêm trọng hơn thì nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và xử lý kịp thời. Những trường hợp đau nghiêm trọng, buồn nôn, lú lẫn, sốt,.. cần đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt.

Những ai có nguy cơ mắc phải cháy nắng?

Người có da sáng màu có khả năng bị cháy nắng hơn người có da tối màu;

Người phải làm việc dưới ánh nắng mặt trời như nông dân, công nhân xây dựng,..;

Người có làn da nhạy cảm;

Người sử dụng thuốc điều trị làm da bị tăng độ nhạy cảm;

Người có tiền sử cháy nắng trước đây.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải cháy nắng

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cháy nắng, bao gồm:

Du lịch đến vùng khí hậu nắng nóng;

Tính chất công việc làm việc dưới ánh nắng mặt trời;

Chơi thể thao ngoài trời.

Cháy nắng do tiếp xúc với tia cực tím (UV) quá mức. Tia cực tím được chia thành 3 dải sóng gồm UVA, UVB và UVC. Chỉ có tia UVA và UVB đến được trái đất. Khi tiếp xúc tia UV, da nhanh chóng sản xuất sắc tố melanin để bảo vệ các lớp sâu dưới da, tạo các mảng tối màu hơn. Nếu da không sản xuất đủ melanin để bảo vệ da thì tia UV sẽ gây bỏng da, cháy nắng.

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của cháy nắng

Chế độ sinh hoạt:

Có thể tắm hoặc ngâm mình trong nước mát sau khi bị cháy nắng nhẹ để giảm bớt cảm giác khó chịu.

Sử dụng điều hòa để giữ phòng ở mát mẻ.

Thoa kem dưỡng ẩm sau khi tắm (có thể dùng kem dưỡng ẩm chứa lô hội).

Không bôi kem dạng mỡ nào lên vùng cháy nắng.

Nếu da ngứa do vết rộp khô, có thể bôi kem dưỡng ẩm.

Không gãi hay chà xát mạnh vùng da đang tổn thương.

Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhất có thể, nếu buộc phải ra ngoài, mặc đồ bảo hộ dày và bôi kem chống nắng với chỉ số SPF từ 30 trở lên.

Chế độ dinh dưỡng:

Uống nhiều nước: Da phồng rộp thường gây mất nước, uống nhiều nước để phòng mất nước và mau lành vết thương.

Phương pháp phòng ngừa cháy nắng

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Mặc quần áo dệt dày, đội mũ, keo kính râm khi ra ngoài nắng.

Bôi kem chống nắng thật kỹ trước khi ra đường (kể cả khi trời không nắng), cứ 2 – 3 giờ bôi lại kem chống nắng một lần.

Không đi biển khi trời nắng nóng cao.

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán cháy nắng

Khai thác bệnh sử;

Khám thực thể.

Cần khai thác thêm về các triệu chứng, lịch sử tiếp xúc với tia cực tím và cháy nắng trước đó.

Người cháy nắng thường bị đỏ da, sưng và đau khi chạm vào. Người có làn da tối màu có thể không xuất hiện đỏ da, cần thận trọng kiểm tra hơn ở đối tượng này.

Nếu cần thiết, có thể thử nghiệm cho các vùng da nhỏ tiếp xúc với lượng ánh sáng UVA và UVB đo được để test độ nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời.

Phương pháp điều trị cháy nắng hiệu quả

Chườm lạnh;

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID).

Hạn chế tiếp xúc vùng da bị cháy nắng hết mức có thể cho đến khi cháy nắng hoàn toàn giảm đi. Chườm nước lạnh và uống NSAID giúp làm giảm các triệu chứng, có thể áp dụng thêm các biện pháp điều trị tại chỗ như bôi nha đam, các loại kem dưỡng da dạng nước khác. Không nên sử dụng các sản phẩm có chứa Petrolatum như dầu hỏa khi bị cháy nắng mức độ nặng.

Corticosteroid tại chỗ không đem lại hiệu quả. Các vùng phồng rộp cần được xử lý tương tự như vết bỏng có độ dày từng phần khác nhau bằng băng gạc vô trùng và bôi sulfadiazine bạc.

Không dùng các thuốc mỡ hay kem dưỡng da có chứa thuốc gây tê cục bộ như benzocain vì có nguy cơ gây viêm da tiếp xúc dị ứng.

Điều trị sớm cháy nắng diện rộng và trầm trọng bằng corticosteroid đường toàn thân như prednisone 20 – 30 mg/ 2 lần/ ngày trong 4 ngày cho thanh thiếu niên hay người lớn để làm giảm cảm giác khó chịu (nhưng cách điều trị này hiện còn đang gây tranh cãi).



Chat with Zalo