Chảy máu tai: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và cách phòng ngừa
Chảy máu tai là một triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh lý khác nhau như nhiễm trùng và chấn thương. Việc điều trị chảy máu tai phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này, bao gồm điều trị nội khoa và cả ngoại khoa. Một số biện pháp phòng ngừa có thể được thực hiện để ngăn ngừa tình trạng chảy máu tai.
Những dấu hiệu và triệu chứng của chảy máu tai
Chảy máu tai là một triệu chứng và dấu hiệu của nhiều bệnh lý. Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân gây chảy máu tai mà bạn có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như:
- Đau tai;
- Sốt;
- Giảm hoặc mất thính giác;
- Liệt mặt;
- Chóng mặt;
- Ù tai.
Biến chứng có thể gặp khi bị chảy máu tai
Chảy máu tai thường không dẫn đến biến chứng, nhưng nguyên nhân gây chảy máu tai có thể dẫn đến các vấn đề tiềm ẩn lâu dài. Những nguy cơ đáng chú ý của chảy máu tai nếu không được điều trị bao gồm:
- Nhiễm trùng tai;
- Ù tai;
- Viêm tai xương chũm;
- Mất hoặc giảm thính lực (tạm thời hoặc vĩnh viễn);
- Đau đầu;
- Chóng mặt;
- Vấn đề về khả năng thăng bằng;
- Tổn thương não.

Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu tai bạn bị chảy máu, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra. Điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân gây chảy máu để bác sĩ có thể điều trị cho bạn đúng cách.
Đặc biệt, nếu bạn bị chảy máu tai sau một tai nạn hoặc sau chấn thương vùng đầu, bạn hãy nhanh chóng đến bệnh viện cấp cứu ngay nếu bạn có thêm bất kỳ triệu chứng sau:
- Chóng mặt;
- Chảy máu mũi;
- Buồn nôn, nôn;
- Rối loạn về thị lực;
- Lú lẫn hoặc mất ý thức;
- Mất thính lực.
Những ai có nguy cơ mắc phải chảy máu tai?
Một số người có nguy cơ cao bị chảy máu tai là:
- Trẻ nhỏ có nguy cơ bị mắc dị vật trong tai gây chảy máu tai.
- Những người làm trong môi trường thường xuyên thay đổi áp suất như thợ lặn.
- Những người làm trong môi trường có tiếng ồn lớn.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải chảy máu tai
Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng chảy máu tai là:
- Nhiễm trùng tai tái đi tái lại;
- Chấn thương vùng đầu;
- Thường dùng tăm bông.
Có nhiều nguyên nhân có thể gây chảy máu tai.
Vết thương nhỏ hoặc vết cắt ở tai
Nếu bạn gãi tai bằng móng tay hoặc nhét tăm bông quá sâu, bạn có thể khiến tai bị chảy máu. Thường gây chảy máu từ tai ngoài và bạn sẽ không có triệu chứng nào khác ngoài cảm giác đau nhẹ ở vị trí vết thương.
Nhiễm trùng tai
Vi khuẩn hoặc virus ở tai giữa có thể gây nhiễm trùng tai. Điều này làm cho tai giữa của bạn bị sưng lên và dịch tích tụ phía sau màng nhĩ. Áp lực do sự tích tụ có thể làm vỡ màng nhĩ và dịch hoặc máu có thể rò rỉ ra ngoài.
Nếu nhiễm trùng tai là nguyên nhân gây chảy máu, bạn cũng có thể có các triệu chứng như đau tai, nghẹt mũi, mất thính lực nhẹ và sốt.
Dị vật trong tai
Tăm bông, đồ chơi hoặc bất kỳ vật nhỏ khác mắc vào tai bạn và gây thương tích. Trẻ em có nhiều khả năng cho vật gì đó vào tai nhất. Các triệu chứng khác khi có dị vật trong tai bao gồm đau và giảm thính lực.

Thay đổi áp suất nước hoặc không khí
Sự thay đổi áp suất đột ngột, chẳng hạn như khi bạn hạ cánh trên máy bay hoặc đi lặn biển, sẽ kéo màng nhĩ vào và gây ra cảm giác ngột ngạt và đau đớn. Nó có thể dẫn đến chấn thương mà các bác sĩ gọi là chấn thương khí áp.
Nếu sự thay đổi áp suất nghiêm trọng, màng nhĩ của bạn có thể bị rách. Dịch hoặc máu có thể chảy ra từ tai.
Các triệu chứng khác của chấn thương khí áp bao gồm đau tai, cảm giác như tai bạn bị nghẹt, chóng mặt, mất thính lực hoặc ù tai.
Thủng màng nhĩ
Màng nhĩ là màng bảo vệ tai giữa của bạn khỏi vi khuẩn. Khi màng này rách, nó có thể chảy máu. Tiếng ồn quá lớn, nhiễm trùng tai nặng và chấn thương đều có thể gây thủng màng nhĩ. Màng nhĩ cũng có thể bị thủng do thay đổi đột ngột áp suất không khí như khi đi máy bay hoặc lặn biển.
Khi màng nhĩ bị thủng, bạn có thể có dịch chảy ra từ tai trong, chứa đầy mủ hoặc có máu. Bạn cũng có thể xuất hiện các triệu chứng như đau tai xuất hiện đột ngột và biến mất nhanh chóng, ù tai, mất thính lực, chóng mặt.
Chấn thương
Một tai nạn hoặc bị đánh vào đầu có thể gây chảy máu trong và chấn thương tai. Chấn thương đầu nghiêm trọng có thể gây đau đầu và các triệu chứng khác:
- Mất ý thức trong khoảng vài giây đến vài phút;
- Cảm thấy choáng váng hay mất phương hướng;
- Buồn nôn hoặc nôn;
- Cảm thấy mệt mỏi hoặc buồn ngủ;
- Khó nói;
- Ngủ nhiều hơn bình thường hoặc khó ngủ;
- Chóng mặt hoặc mất thăng bằng.
Ung thư tai
Rất hiếm gặp, thường bắt đầu như ung thư da ở tai ngoài. Nếu bạn không điều trị, nó có thể lan đến ống tai và sâu hơn vào tai. Nếu ung thư là nguyên nhân gây chảy máu tai, bạn cũng có thể có những triệu chứng sau:
- Mất thính lực;
- Đau tai;
- Dịch chảy ra từ tai.
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của chảy máu tai
Chế độ sinh hoạt:
- Chườm ấm tai có thể giúp giảm đau.
- Giữ sạch vùng tai bị thương.
- Đeo nút bịt tai để ngăn nước và mảnh vụn lọt vào trong khi tai bạn đang trong thời gian lành lại.
Chế độ dinh dưỡng:
- Bổ sung đầy đủ các chất, giảm các thức ăn béo ngọt giúp tai bạn lành tốt hơn.
- Bổ sung thêm vitamin và chất khoáng.
Phòng ngừa chảy máu tai
Không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn ngừa chảy máu tai vì nó thường xảy ra sau những sự kiện không lường trước được (như tai nạn, chấn thương). Tuy nhiên, có một số cách bạn có thể phòng ngừa để giảm nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe liên quan đến chảy máu tai.
Để giảm nguy cơ nhiễm trùng tai:
- Rửa tay thường xuyên.
- Tránh khói thuốc lá.
- Tiêm vắc xin phù hợp với lứa tuổi.
Để giảm nguy cơ thủng màng nhĩ:
- Điều trị nhiễm trùng tai kịp thời.
- Đeo bảo vệ tai khi tiếp xúc với tiếng ồn lớn.
- Đeo nút tai máy bay khi bay để giảm áp lực tích tụ.
- Không nhét tăm bông, kẹp tóc hoặc các vật dụng khác vào ống tai.

Các câu hỏi thường gặp về chảy máu tai
Tôi bị chảy máu tai thì có nguy hiểm gì hay không?
Chảy máu tai là triệu chứng của nhiều tình trạng khác nhau từ nhẹ đến nặng. Do đó không phải lúc nào bạn bị chảy máu tai đều nguy hiểm đến tính mạng. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn bị chảy máu tai mà không rõ lý do.
Làm thế nào để tôi làm ngừng chảy máu tai?
Nếu chảy máu tai xuất phát từ bên trong tai, hãy lấy bông sạch để thấm máu rỉ ra. Nếu máu chảy ra từ tai ngoài, hãy ấn mạnh vào vị trí chảy máu để cầm máu.
Nếu tôi bị thủng màng nhĩ thì điều trị như thế nào?
Trong nhiều trường hợp, màng nhĩ thủng sẽ tự lành. Bạn có thể cần phải phẫu thuật nếu màng nhĩ bị thủng mất hơn ba tuần để lành. Hãy chú ý tránh để nước vào tai. Khi xì mũi, hãy làm nhẹ nhàng để tránh tổn thương thêm.
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm chảy máu tai
Khi bạn bị chảy máu tai, bác sĩ sẽ khám sức khỏe và kiểm tra tai, cổ, đầu và cổ họng của bạn. Họ sẽ khai thác bệnh sử đầy đủ và thông tin chi tiết về thời điểm bắt đầu chảy máu và nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này.
Nếu gần đây bạn bị ngã hoặc tai nạn, có thể chảy máu tai là do chấn thương. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm hình ảnh hoặc xét nghiệm máu khác để xác nhận chẩn đoán hoặc kiểm tra xem có thêm tổn thương nào không.
Nếu nguyên nhân gây chảy máu không rõ ràng, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra thể chất kỹ lưỡng hơn. Bác sĩ có thể sử dụng kính soi tai để quan sát bên trong tai của bạn và tìm kiếm những tổn thương, mảnh vụn hoặc nguyên nhân khác có thể xảy ra. Nếu xét nghiệm đó không cho kết quả rõ ràng, các xét nghiệm hình ảnh bổ sung như chụp X-quang hoặc CT có thể hữu ích. Các xét nghiệm máu cũng có thể được thực hiện để đánh giá tình trạng nhiễm trùng.

Điều trị chảy máu tai
Sau khi bác sĩ xác định được nguyên nhân khiến tai bạn chảy máu, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với bạn. Phương pháp điều trị sẽ giúp giải quyết nguyên nhân gây chảy máu. Khi nguyên nhân được điều trị, máu sẽ ngừng chảy.
Nội khoa
Nhiều nguyên nhân gây chảy máu tai có thể tự khỏi theo thời gian. Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho cả vỡ màng nhĩ và chấn thương hoặc các loại chấn thương đầu khác. Trong vài ngày và giờ sau khi bạn bắt đầu chảy máu, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn theo dõi và báo cáo bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Nếu bạn bị chảy máu tai do nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh đường uống hoặc thuốc nhỏ tai kháng sinh.
Bác sĩ có thể kê đơn thêm thuốc giảm đau và hạ sốt như acetaminophen hoặc ibuprofen nếu bạn bị đau tai nhiều hoặc sốt cao.
Ngoại khoa
Đặt ống thông khí màng nhĩ
Nếu bạn bị nhiễm trùng tai thường xuyên, bác sĩ có thể đề nghị đặt ống thông khí màng nhĩ. Trong phương pháp này, bác sĩ phẫu thuật sẽ đặt những ống nhỏ, rỗng vào màng nhĩ của bạn. Những ống này cho phép không khí đi vào tai giữa để chất lỏng bị mắc kẹt sau màng nhĩ có thể chảy ra ngoài.
Phẫu thuật tạo hình màng nhĩ
Đôi khi nhiễm trùng tai tái phát thường xuyên có thể khiến màng nhĩ của bạn bị thủng (rách). Các triệu chứng thủng màng nhĩ bao gồm mất thính lực và chảy máu tai.
Trong nhiều trường hợp, màng nhĩ bị thủng sẽ tự lành. Nhưng nếu không, bạn có thể cần phải phẫu thuật tạo hình màng nhĩ. Trong phương pháp phẫu thuật này, bác sĩ sẽ sửa chữa các lỗ hoặc vết rách trên màng nhĩ của bạn.
Loại bỏ dị vật
Chảy máu tai cũng có thể do có vật lạ mắc kẹt trong tai. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ sẽ tìm cách loại bỏ dị vật ngay lập tức. Hầu hết các trường hợp, bác sĩ có thể loại bỏ những đồ vật này khi đến khám tại bệnh viện. Nhưng trong những trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể cần được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.