Bệnh mèo cào là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh mèo cào (sốt do mèo cào) là một bệnh nhiễm trùng mà bạn có thể mắc phải do bị mèo cào hoặc cắn. Các triệu chứng bao gồm phát ban hoặc nổi mụn trên da, sưng hạch bạch huyết và sốt. Bệnh thường có thể tự khỏi trong 2 đến 4 tuần nhưng đối với một số trường hợp đặc biệt có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh mèo cào
Các triệu chứng thường gặp của bệnh mèo cào:
- Nổi sẩn hoặc phát ban;
- Sưng đau hạch bạch huyết;
- Sốt;
- Đau cơ, xương hoặc khớp;
- Chán ăn hoặc sụt cân;
- Mệt mỏi;
- Đau đầu;
- Đau họng.
Biến chứng có thể gặp phải khi mắc bệnh mèo cào
Bệnh mèo cào có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu nó lây lan sang các cơ quan khác. Một số biến chứng bao gồm:
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn: Viêm niêm mạc xung quanh tim có thể gây đau cơ khớp, đau ngực, khó thở. Viêm nội tâm mạc là bệnh lý có thể đe dọa tính mạng;
- Hội chứng Parinaud: Tình trạng một phần mắt (kết mạc) của bạn bị viêm đỏ và các hạch bạch huyết gần tai của bạn bị sưng lên.
- Viêm thần kinh võng mạc: Viêm võng mạc và viêm dây thần kinh thị giác có thể gây ra vấn đề về thị lực của bạn.
- Bệnh não: Các vấn đề về chức năng não, bao gồm nhầm lẫn, đau đầu dữ dội và đôi khi co giật.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu vết cào hoặc vết cắn của mèo trở nên đỏ hoặc sưng lên và bạn xuất hiện các triệu chứng giống cúm, bao gồm nhức đầu, chán ăn, mệt mỏi, đau khớp hoặc sốt, hãy liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh mèo cào?
Bất cứ ai cũng có thể bị bệnh mèo cào, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh mèo cào
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mèo cào bao gồm:
- Thường xuyên ở cạnh mèo, đặc biệt là những chú mèo thích cào và cắn bạn;
- Không làm sạch vết xước hoặc vết cắn của mèo ngay tại thời điểm đó;
- Cho mèo liếm vết thương hở.
Bệnh mèo cào là do vi khuẩn Bartonella henselae gây ra. Bệnh lây lan qua tiếp xúc với mèo bị nhiễm bệnh (vết cắn hoặc vết xước) hoặc tiếp xúc với bọ chét mèo. Nó cũng có thể lây lan qua tiếp xúc với nước bọt của mèo trên vùng da bị tổn thương hoặc bề mặt niêm mạc như ở mũi, miệng và mắt.
Bọ chét gây lây lan vi khuẩn B. henselae. Đây là loại vi khuẩn gây bệnh mèo cào cho mèo. Mèo (đặc biệt là mèo con) có thể bị nhiễm trùng huyết do vi khuẩn này mà không có triệu chứng trong nhiều tháng. Sau đó, mèo có thể lây bệnh sang người khi nước bọt của chúng tiếp xúc với vết thương hở (như vết xước hoặc vết cắn).
Ngoài ra, việc bị bọ chét cắn trực tiếp có thể khiến bạn mắc bệnh mèo cào, nhưng điều này chưa được các nhà nghiên cứu chứng minh rõ ràng.

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh mèo cào
Chế độ sinh hoạt: Để hạn chế diễn tiến của bệnh mèo cào, bạn có thể tham khảo các việc làm sau:
- Tuân thủ điều trị của bác sĩ.
- Tập thể dục thường xuyên. Ít nhất 30 phút mỗi ngày và hầu hết các ngày trong tuần.
- Theo dõi các triệu chứng. Nếu như có các triệu chứng như sốt kéo dài, sưng đau hạch nhiều hơn, nổi phát ban hay sẩn nhiều hơn thì cần lập tức liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chế độ dinh dưỡng:
Không có một chế độ dinh dưỡng cụ thể nào giúp hạn chế diễn tiến của bệnh mèo cào. Tuy nhiên, việc duy trì một chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày có thể giúp bạn duy trì sức khỏe thể chất bình thường.
Thảo luận với chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống và dinh dưỡng phù hợp.
Phòng ngừa bệnh mèo cào
Một số phương pháp để giúp ngăn ngừa bệnh mèo cào bao gồm:
- Cố gắng tránh bị mèo cào hoặc cắn.
- Rửa tay sau khi chơi, bế hoặc vuốt ve mèo con.
- Giữ mèo trong nhà để giúp giảm nguy cơ bị bọ chét cắn.
- Đừng để mèo liếm vết xước hoặc vết thương hở.
- Hỏi bác sĩ thú y cách bảo vệ mèo khỏi bọ chét.

Các câu hỏi thường gặp về bệnh mèo cào
Khi nào tôi nên đến phòng cấp cứu?
Bạn nên đến phòng cấp cứu nếu vết thương không lành và bạn có các triệu chứng nhiễm trùng lan sang các bộ phận khác trên cơ thể, bao gồm:
- Sốt cao;
- Lú lẫn;
- Đau đầu dữ dội;
- Co giật;
- Đau ngực hoặc khó thở;
- Đau bụng kèm theo buồn nôn hoặc nôn.
Nguyên nhân gây bệnh mèo cào là gì?
Bệnh mèo cào là do một loại vi khuẩn có trong nước bọt của mèo gây ra. Vi khuẩn được truyền từ mèo bị nhiễm bệnh sang người sau khi mèo liếm vết thương hở hoặc cắn hoặc gãi da người đủ mạnh để làm tổn thương bề mặt da.
Bệnh mèo cào được điều trị như thế nào?
Các bác sĩ thường điều trị bệnh mèo cào bằng kháng sinh. Nếu bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh, hãy uống thuốc theo đúng lịch trình và trong số ngày theo quy định.
Trẻ bệnh mèo cào không cần phải cách ly với các thành viên khác trong gia đình. Hãy để trẻ nghỉ ngơi khi cần thiết. Nếu con bạn muốn chơi, hãy khuyến khích chơi yên tĩnh đồng thời cẩn thận để tránh làm tổn thương các hạch bạch huyết bị sưng. Để giảm đau nhức và sốt, bạn có thể cho trẻ uống Acetaminophen hoặc Ibuprofen.
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm bệnh mèo cào
Để chẩn đoán bệnh mèo cào, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra sức khỏe cho bạn trong đó họ sẽ:
- Khám vết xước hoặc vết thương của bạn;
- Đánh giá xem bạn có phát ban hoặc nổi mụn nước không;
- Khám hạch bạch huyết.
Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm cấy máu để kiểm tra có vi khuẩn B. henselae hay không.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, có thể phải sinh thiết hạch bạch huyết của bạn để kiểm tra tìm vi khuẩn B. henselae hoặc tìm nguyên nhân khác gây sưng đau hạch bạch huyết.

Điều trị bệnh mèo cào
Nội khoa
Vì bệnh mèo cào thường tự khỏi nên việc điều trị thường nhằm mục đích giúp giảm bớt các triệu chứng của bạn. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh Azithromycin để cố gắng diệt trừ vi khuẩn gây bệnh. Điều này thường chỉ xảy ra nếu bạn suy giảm miễn dịch hoặc các triệu chứng của bạn không biến mất trong vòng vài tháng.
Các loại kháng sinh khác có thể được sử dụng, bao gồm:
- Clarithromycin;
- Rifampin;
- Trimethoprim-sulfamethoxazole;
- Ciprofloxacin.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm thuốc Acetaminophen để hạ sốt cho bạn.

Ngoại khoa
Vì bệnh mèo cào thường tự khỏi hoặc đáp ứng tốt với điều trị nội khoa nên không cần phải điều trị ngoại khoa.