Bàn chân khoèo là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị


Bàn chân khoèo (Clubfoot) là một dị tật bẩm sinh, trong đó bàn chân của bé quay vào trong. Đây là bệnh lý ảnh hưởng nhiều đến vận động và sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Do đó, cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Những dấu hiệu và triệu chứng của bàn chân khoèo

Nếu trẻ bị bàn chân khoèo sẽ có các đặc điểm sau:

  • Bàn chân xoay xuống dưới và vào trong.
  • Bàn chân có thể bị xoay nghiêm trọng đến mức trông như bị lộn ngược.
  • Chân hoặc bàn chân bị ảnh hưởng có thể ngắn hơn bình thường.
  • Các cơ ở chân bị ảnh hưởng thường kém phát triển.

Mặc dù có hình dáng bất thường như vậy nhưng bàn chân khoèo không gây ra bất kỳ khó chịu hay đau đớn nào.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh bàn chân khoèo

Bàn chân khoèo thường không gây ra bất kỳ vấn đề gì cho đến khi trẻ bắt đầu đứng và đi lại. Nếu bàn chân khoèo không được điều trị sớm, trẻ có thể gặp một số khó khăn như:

  • Di chuyển khó khăn, trong một số trường hợp có thể mất khả năng đi lại.
  • Bất thường dáng đi.
  • Chiều dài của chân: Chân bị ảnh hưởng có thể ngắn hơn so với bình thường.
  • Teo cơ: Chân bị ảnh hưởng có thể teo hơn so với bình thường.
  • Viêm khớp.
  • Vết thương ở chân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu trẻ có các biểu hiện của bàn chân khoèo, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bàn chân khoèo là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1
Khi trẻ có triệu chứng bàn chân khoèo, cần đưa đến gặp bác sĩ ngay

Những ai có nguy cơ mắc phải bàn chân khoèo?

Các bé trai có nguy cơ mắc bệnh bàn chân khoèo cao gấp đôi so với các bé gái.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bàn chân khoèo

Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Lịch sử gia đình: Nếu một trong hai cha mẹ hoặc những đứa con khác của họ bị bàn chân khoèo thì em bé cũng có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn.
  • Dị tật bẩm sinh: Trong một số trường hợp, bàn chân khoèo có thể liên quan đến những bất thường khác của bộ xương khi mới sinh, chẳng hạn như tật nứt đốt sống, một dị tật bẩm sinh xảy ra khi cột sống và tủy sống không phát triển hoặc đóng kín đúng cách.
  • Môi trường: Hút thuốc khi mang thai có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh chân khoèo ở trẻ.
  • Không đủ nước ối khi mang thai: Quá ít nước ối bao quanh em bé trong bụng mẹ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bàn chân khoèo.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác của bàn chân khoèo. Rất có thể đó là sự kết hợp giữa nguyên nhân di truyền và môi trường:

  • Di truyền: Đột biến gen di truyền từ cha mẹ có thể dẫn đến trẻ bị bàn chân khoèo.
  • Môi trường: Sử dụng ma túy và hút thuốc khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh như bàn chân khoèo.

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bàn chân khoèo

Chế độ sinh hoạt:

  • Tái khám đầy đủ và tuân thủ điều trị của bác sĩ.
  • Tự theo dõi các triệu chứng, nếu có bất kỳ triệu chứng mới hoặc nặng lên của các triệu chứng cũ cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

Không có chế độ dinh dưỡng cụ thể nào cho tình trạng bàn chân khoèo, việc duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ là cần thiết cho sức khỏe chung của trẻ.

Phòng ngừa bàn chân khoèo

Bởi vì các bác sĩ không biết nguyên nhân gây ra bàn chân khoèo nên bạn không thể phòng ngừa được bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu đang mang thai, bạn có thể làm những việc để hạn chế nguy cơ dị tật bẩm sinh cho trẻ, chẳng hạn như:

Bàn chân khoèo là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Thai phụ nên tránh xa thuốc lá và rượu bia để ngừa dị tật thai nhi
  • Không hút thuốc hoặc dành thời gian trong môi trường nhiều khói thuốc.
  • Không uống rượu.
  • Tránh dùng thuốc không được bác sĩ chấp thuận.

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm bàn chân khoèo

Thông thường nhất, bác sĩ nhận ra trẻ mắc bệnh bàn chân khoèo ngay sau khi sinh chỉ bằng cách nhìn vào hình dạng và vị trí bàn chân của trẻ. Đôi khi, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang để biết đầy đủ mức độ nghiêm trọng của bàn chân khoèo, nhưng thông thường không cần thiết phải chụp X-quang.

Có thể thấy rõ hầu hết các trường hợp bàn chân khoèo trước khi sinh khi siêu âm định kỳ vào tuần thứ 20 của thai kỳ. Mặc dù không thể làm gì trước khi sinh để giải quyết vấn đề, nhưng việc biết về tình trạng này có thể giúp bạn có thời gian tìm hiểu thêm về bàn chân khoèo và liên hệ với các chuyên gia y tế phù hợp, chẳng hạn như bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình nhi khoa và cố vấn di truyền.

Bàn chân khoèo là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2
Siêu âm định kỳ để phát hiện các bất thường của thai nhi

Điều trị bàn chân khoèo

Điều trị bàn chân khoèo bao gồm một số phương pháp. Bác sĩ sẽ thảo luận về các phương pháp điều trị với bạn và tìm ra lựa chọn nào phù hợp nhất với trẻ.

Nội khoa

Điều trị thường bằng sự kết hợp giữa phương pháp Ponseti và phương pháp kéo duỗi và băng bó. Việc điều trị bàn chân khoèo thường bắt đầu trong vòng 1 đến 2 tuần sau khi bé chào đời.

  • Phương pháp Ponseti: Bao gồm sự kết hợp của bó bột, giải phóng gân Achilles và nẹp. Điều này được lặp lại mỗi tuần trong khoảng 5 đến 8 tuần. Một đứa trẻ sẽ đeo nẹp liên tục trong khoảng 3 tháng, sau đó chỉ đeo vào ban đêm hoặc khi ngủ trưa trong vài năm. Phương pháp Ponseti được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả cao đối với trẻ dưới hai tuổi.
  • Phương pháp kéo duỗi và băng bó: Bao gồm việc sắp xếp lại, băng bó, các bài tập dài hạn tại nhà và nẹp ban đêm. Việc điều trị này cần được thực hiện hàng ngày thay vì mỗi tuần một lần. Nó cũng có hiệu quả nhưng kết quả lại khác nhau và phụ thuộc nhiều vào sự tham gia của người chăm sóc. Nói chung, phương pháp Ponseti được ưa chuộng hơn.
Bàn chân khoèo là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3
Phương pháp Ponseti là phương pháp điều trị bàn chân khoèo phổ biến nhất

Ngoại khoa

Nếu bàn chân khoèo của trẻ nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa, có thể cần phải phẫu thuật. Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình có thể kéo dài hoặc định vị lại gân và dây chằng để giúp bàn chân dễ dàng vào vị trí tốt hơn. Sau khi phẫu thuật, trẻ sẽ phải bó bột trong tối đa hai tháng và sau đó cần phải đeo nẹp trong khoảng một năm để ngăn bàn chân khoèo quay trở lại.

Ngay cả khi được điều trị, bàn chân khoèo cũng có thể không thể chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, những đứa trẻ được điều trị sớm sẽ có bàn chân gần như bình thường.



Chat with Zalo