Trời nồm ẩm dễ mắc bệnh gì?

Trời nồm ẩm là tình trạng đọng sương ở bề mặt tường, cửa kính, nền nhà… do sự chênh lệch nhiệt độ thời tiết khô và rét kéo dài ở đất liền kết hợp gió ẩm ngoài biển thổi vào. Độ ẩm trong không khí tăng lên sẽ là cơ hội để các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm,... phát triển. Cùng tìm kiếm câu trả lời cho trời nồm ẩm dễ mắc bệnh gì qua bài viết dưới đây nhé.

Trời nồm ẩm dễ mắc bệnh gì?

Trong điều kiện thời tiết mưa phùn, nồm ẩm, các loại vi khuẩn, virus và nấm mốc sinh sôi, gây ra nhiều bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe chúng ta. Dưới đây là một số bệnh dễ mắc khi thời tiết chuyển nồm ẩm.

Hiện tượng đọng sương trên cửa kính do trời nồm ẩm Hiện tượng đọng sương trên cửa kính do trời nồm ẩm

Bệnh lý đường hô hấp

Giai đoạn giao đông xuân là thời kỳ cao điểm của các loại bệnh về đường hô hấp. Trong đó, trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất. Vì sức đề kháng của trẻ kém hơn nên dễ ốm, nếu không được chữa trị sớm, virus sẽ vào phổi thì có thể gây ra suy hô hấp

Đồng thời nấm mốc, vi nấm phát triển nhanh khi trời nồm, lơ lửng trong không gian, bám vào quần áo, chăn gối khiến chúng ta bị dị ứng mũi, nhiễm trùng hô hấp gây ra bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, viêm họng. Các triệu chứng phổ biến khi trẻ bị viêm họng như: Đau rát cổ họng, sốt cao, amidan sưng to, ăn vào dễ ói. Khi trẻ gặp các triệu chứng này, bạn hãy đưa trẻ đến bệnh viện khám để được chẩn đoán và điều trị.

Bệnh thủy đậu khi trời nồm ẩm

Bệnh thủy đậu do một loại virus là Varicella Zoster gây ra với biểu hiện là các nốt nhỏ, tròn mọc khắp cơ thể. Người bị thủy đậu có cảm giác ngứa ngáy do mụn nước gây ra. Thời tiết ẩm ướt là điều kiện để nguồn bệnh nhanh chóng lây lan.

Bệnh thủy đậu sẽ không quá nguy hiểm nhưng nếu không điều trị đúng cách, nốt thủy đậu khi bị nhiễm trùng có thể để lại sẹo và thậm chí là các biến chứng như viêm màng não hay viêm phổi.

Bệnh ngoài da

Trời nồm thường khiến da chúng ta ẩm ướt và tiết nhiều dầu hơn. Ngoài ra, độ ẩm không khí cao sẽ khiến vi khuẩn, bụi bẩn xâm nhập và phát triển, từ đó gây ra các bệnh nguy hiểm về da như mụn mủ, trứng cá, mụn bọc, dị ứng. Hãy chăm sóc da sạch sẽ, sử dụng mặt nạ thiên nhiên và thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh với rau củ.

Da thường nổi mụn trứng cá khi các bụi bẩn xâm nhập Da thường nổi mụn trứng cá khi các bụi bẩn xâm nhập

Bệnh về xương khớp

Khi độ ẩm trong không khí quá cao, các bệnh mạn tính như đau nhức xương khớp, bệnh về xương chi cũng thường gia tăng và tái phát. Nhất là đối với người cao tuổi luôn cần cẩn thận. Khi độ ẩm trong không khí lên cao, nền nhà trơn ướt có thể gây tai nạn, ngã, trượt và khiến người cao tuổi khó ngủ, bức bối, ăn uống kém.

Bệnh viêm nhiễm vùng kín

Độ ẩm cao sẽ khiến quần áo luôn trong tình trạng ẩm ướt. Đó là điều kiện thuận lợi để nấm mốc phát triển, vi khuẩn và virus gia tăng. Điều này khiến chúng ta dễ mắc bệnh vùng kín, viêm nhiễm cậu bé hoặc viêm âm đạo. Các bệnh viêm nhiễm không chỉ gây khó chịu, ngứa ngáy mà còn gây ra các bệnh nguy hiểm liên quan vùng kín, thậm chí là vô sinh.

Bệnh tiêu chảy cấp

Nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy cấp là do các vi khuẩn, vi nấm, kí sinh trùng. Đây là loại bệnh có khả năng lây nhiễm cao và thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nếu không có phương pháp điều trị kịp thời, trẻ dễ bị mất nước và có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh đau mắt đỏ

Đây là bệnh do virus gây ra nên dễ lây lan khi tiếp xúc, đặc biệt tại môi trường công sở đông người. Nếu phát hiện và điều trị đúng, bệnh có thể khỏi sau 4 đến 5 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan, điều trị sai cách, bệnh có thể biến chứng thành viêm giác mạc nguy hiểm. Vì thế khi bị đau mắt đó bạn nên đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị, tránh bệnh diễn tiến lâu dài và gây biến chứng.

Bệnh đau mắt đỏ do virus gây ra trong mùa nồm ẩm Bệnh đau mắt đỏ do virus gây ra trong mùa nồm ẩm

Cách phòng bệnh khi thời tiết nồm ẩm

Với những người sức đề kháng yếu như trẻ em và người già thường sẽ là những đối tượng dễ mắc bệnh. Vì vậy, bác sĩ khuyên để phòng chống bệnh trong thời tiết nồm ẩm, các gia đình cần: 

Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ

Cần loại bỏ vi khuẩn gây bệnh bằng cách làm sạch và tạo sự thông thoáng cho không gian trong nhà như:

  • Lau dọn, vệ sinh nhà ở thường xuyên.
  • Giặt dũ, phơi khô quần áo, chăn ga, gối rèm định kỳ.
  • Dọn dẹp, loại bỏ hoặc hút bụi những đồ dùng bị nấm mốc. Đặt vật dụng dễ bị ẩm mốc lên vị trí cao hơn, để thoáng mát không gian giường, tủ, đây là nơi nấm mốc dễ bám vào nhưng khó nhận biết.
  • Nếu được bạn nên dùng các thiết bị như máy điều hoà, hộp hút ẩm chuyên dụng.
  • Tránh bật quạt vì có thể khiến không gian trong nhà càng ẩm hơn.

Chế độ ăn uống và tập luyện khoa học

Khi bạn có chế độ ăn uống và tập luyện khoa học thì sẽ giúp nâng cao hệ miễn dịch để có thể chiến đấu với các tác nhân gây bệnh khi trời nồm ẩm qua những phương thức:

  • Bổ sung nước và các chất dinh dưỡng, ăn rau xanh. Bổ sung vitamin C từ cam, bưởi,... Ăn thêm tỏi, gừng để tăng hệ miễn dịch.
  • Duy trì tập luyện thể dục thể thao đều đặn, ít nhất là 30 phút mỗi ngày.
  • Sinh hoạt khoa học, tránh thức khuya, ngủ đủ giấc. Vì cơ thể mệt mỏi có thể khiến vi khuẩn gây bệnh xâm nhập.
  • Tiêm vacxin phòng cúm, với trẻ nhỏ cần tiêm đúng lịch trình theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
  • Vệ sinh mũi sạch sẽ, rửa mũi với nước muối sinh lý tránh mầm bệnh lưu lại trong cơ thể.
  • Giữ ấm lòng bàn tay, chân, ngực và cổ. Hạn chế ra ngoài vào ban đêm khi nhiệt độ xuống thấp, ủ ấm khi làm việc ngoài trời hoặc đi xe máy.
Giữ ấm lòng bàn tay khi thời tiết chuyển lạnh Giữ ấm lòng bàn tay và cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh

Phòng tránh tình trạng lây lan bệnh

Việc lây chéo từ môi trường xung quanh là nguy cơ gây ra bệnh lý hô hấp, vì thế chúng ta cần thực hiện những cách sau để bảo vệ cơ thể:

  • Hạn chế nơi đông người, không tiếp xúc với người có biểu hiện sổ mũi, ho,...
  • Rửa tay với cồn hoặc xà phòng khi về nhà, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
  • Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, nơi có nhiều bụi bẩn.
  • Che chắn khi ho, hắt hơi tránh vi khuẩn lây lan khắp môi trường xung quanh.

Về cơ bản, trời nồm ẩm là một đặc tính khá phổ biến của thời tiết nước ta. Với một số người bị bệnh mạn tính nên tuân thủ theo hướng dẫn phía bác sĩ, duy trì đơn thuốc và những biện pháp kiểm soát bệnh để tránh việc môi trường kích thích bệnh phát tác. Vì thế, ngay khi thấy biểu hiện bất thường hãy liên hệ ngay bác sĩ để được tư vấn.

Cẩm Thơ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo