Trẻ bị lên lẹo ở mắt phải làm sao?
Lẹo là hiện tượng một nang lông mi bị nhiễm trùng dẫn đến lẹo. Nếu không chữa trị kịp thời, lẹo có thể gây ra một số biến chứng ảnh hưởng đến thị giác về sau. Lẹo rất hay thường gặp ở trẻ em bởi nhận thức về việc tự giữ gìn vệ sinh còn kém. Do đó, các bậc phụ huynh nên lưu ý để nhận biết và phòng tránh hiện tượng lẹo mắt ở con trẻ.
Tìm hiểu về bệnh lẹo mắt ở trẻ
Lẹo mắt là chứng viêm mí mắt cấp tính, thường do vi khuẩn (Staphylocoque) gây ra hoặc sự xâm nhập của tụ cầu khuẩn vào tuyến chân lông mi và thường gặp ở trẻ em. Vi khuẩn tấn công và gây nhiễm khuẩn cục bộ, sưng đỏ kế bên rìa bờ mi tạo thành khối nhỏ màu đỏ, ở giữa có nhân màu vàng.
Bệnh lẹo chia làm hai dạng và thường gặp nhất ở trẻ, đó là:
- Lẹo mắt bên ngoài mí mắt: Lẹo mọc ở bên ngoài bờ mi.
- Lẹo trong mí mắt: Lẹo mọc ở bên trong bờ mi.
![Trẻ bị lên lẹo ở mắt phải làm sao 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tre_bi_len_leo_o_mat_phai_lam_sao_67846fdace.jpeg)
Cách phát hiện lẹo mắt ở trẻ
Khi trẻ bị bệnh lẹo mắt, trẻ sẽ thường cảm thấy ngứa quanh mí mắt nên dẫn tới hành động là gãi và dụi quanh mắt. Sau đó mắt sẽ sưng đỏ lên và bắt đầu gây đau.
Sau một vài ngày, lẹo mắt sẽ càng sưng lớn và đỏ dần lên ở bên ngoài và có nhân vàng bên trong. Đây là lúc các bậc phụ huynh nên chú ý đến con trẻ và có biện pháp chữa trị kịp thời cho con. Trong khoảng thời gian này, cha mẹ cần hạn chế tối đa việc bé đưa tay lên dụi mắt, hành động này sẽ làm vỡ mủ và gây nhiễm trùng. Bên cạnh đó cũng hạn chế cho bé hoạt động mạnh để tránh ra mồ hôi và nên để bé sinh hoạt ở môi trường có không khí trong lành, tránh bị tác động bởi khói bụi và ô nhiễm.
Trẻ bị lên lẹo ở mắt phải làm sao?
Thông thường, lẹo mắt sẽ hết sau một tuần kể từ thời điểm khởi phát. Sau một thời gian, vết thương sẽ lành dần mà không cần phải can thiệp quá nhiều. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng có thể áp dụng một số mẹo dân gian dưới đây để lẹo mắt biến mất nhanh hơn:
- Thường vệ sinh mắt bằng nước muối ấm và bông gòn. Việc này sẽ giúp mắt được khử khuẩn nhẹ nhàng và thông thoáng.
- Dùng khăn ấm đã vắt khô nước rồi đắp lên phần mắt bị sưng.
- Tuyệt đối không tự ý nặn mủ. Hành động này sẽ gây nhiễm trùng nghiêm trọng hơn ở vết thương, ảnh hưởng xấu đến đôi mắt của bé.
- Bên cạnh đó, trong thời kỳ lẹo mắt, các bậc phụ huynh nên chú ý bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cho con, tăng cường vitamin C và A, tránh cho bé ăn đồ ăn cay nóng và dê gây sưng, mủ.
![Trẻ bị lên lẹo ở mắt phải làm sao 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tre_bi_len_leo_o_mat_phai_lam_sao_1_4260f08f94.jpeg)
Khi nào đưa bé tới bác sĩ?
Mặc dù là bệnh thường nhật, viêm nhiễm lành tính và không ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe của trẻ em. Nhưng trong trường hợp bé bị nổi mụn ở mi mắt đi kèm với một số triệu chứng nguy hiểm hơn dưới đây thì các bậc phụ huynh nên đưa con đến bệnh viện chuyên khoa mắt để được thăm khám kịp thời:
- Trẻ mệt mỏi và bị sốt trên 37 độ.
- Thị lực của trẻ trong thời gian này có vấn đề, không nhìn rõ.
- Mắt vẫn sưng tấy, không thuyên giảm sau 2 ngày từ khi bệnh khởi phát.
- Mắt và hai bên má bị sưng tấy và bên dưới mi mắt bị đỏ.
- Mắt bị chảy máu và người bệnh cảm thấy đau hơn mỗi ngày.
- Nhìn cục u sưng lớn hơn theo thời gian và sưng trên mọi cả mí mắt.
Khi đến bệnh viện, các bác sĩ sẽ thăm khám và chữa trị cho bệnh nhân bằng biện pháp chích lẹo. Vì mắt là bộ phận nhạy cảm nên bậc cha mẹ hãy tìm hiểu kỹ và chọn các bệnh viện uy tín hoặc bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao cùng với công nghệ cao, máy móc tiên tiến để chữa trị dứt điểm, giảm thiểu để lại sẹo và gây biến chứng về sau cho bé.
![Trẻ bị lên lẹo ở mắt phải làm sao 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tre_bi_len_leo_o_mat_phai_lam_sao_2_ea8109d2d9.jpeg)
Cách phòng tránh lẹo mắt ở trẻ
Căn bệnh ở mắt như “lẹo” thường bởi vì vi khuẩn gây ra. Do đó, để trẻ không bị bệnh, cha mẹ nên giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé để vi khuẩn không thế tấn công vào đôi mắt và bờ mi của trẻ bằng các biện pháp đơn giản và dễ thực hiện sau:
- Giữ vệ sinh mắt và mi cho trẻ, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi.
- Không để bé dùng chung khăn mặt với người khác, nhất là khăn mặt ở trường lớp.
- Tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên, trước lúc ăn, sau khi đi vệ sinh và vừa hoạt động từ bên ngoài về.
- Không cho trẻ dụi mắt.
Lẹo mắt không phải là bệnh khó điều trị. Tuy nhiên, nếu phụ huynh không phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng trở nặng, có thể can thiệp bằng cách rạch thoát mủ. Biện pháp này nếu không được bác sĩ có chuyên môn xử lý sẽ dễ gây ra các biến chứng khôn lường về sau. Vì vậy, khi có dấu hiệu thất thường ở mắt trẻ, các bậc phụ huynh nên đưa bé cơ sơ y tế uy tín để được chẩn đoán và tư vấn về cách chăm sóc mắt an toàn cho con.
Như Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp