Tìm hiểu về đặt ống thông màng nhĩ khi bị viêm tai giữa
Đặt ống giúp thông khí màng nhĩ khi bị viêm tai giữa là một thủ thuật y khoa đưa một ống nhỏ (bằng nhựa cứng hoặc bằng nhựa silicon) vào màng nhĩ của bệnh nhân, tạo một đường thông khí giữa bộ phận tai ngoài với tai giữa giúp ngăn ngừa các chất dịch ứ đọng sau màng nhĩ. Giải pháp này hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân bị viêm tai giữa không đáp ứng thuốc điều trị hoặc những bệnh nhân viêm tai giữa thanh dịch kéo dài trên 3 tháng.
Bên cạnh đó, việc bệnh nhân có nhiều vấn đề về tai như rối loạn chức năng vòi nhĩ, viêm tai giữa gây ảnh hưởng nhiều đến khả năng nghe và nói,… lúc này, thủ thuật đặt ống thông khí màng nhĩ là một trong những giải pháp tốt nhất để giúp khôi phục khả năng nghe, nói ở những bệnh nhân có các bệnh lý về tai được kể trên.
Những trường hợp viêm tai giữa phải đặt ống thông màng nhĩ
Không phải tất cả bệnh nhân bị viêm tai giữa nào cũng được chỉ định thực hiện thủ thuật đặt ống thông khí màng nhĩ. Dưới đây là những đối tượng bệnh nhân mà bác sĩ có khả năng chỉ định thực hiện giải pháp này nhằm giúp bệnh được hồi phục nhanh chóng hơn:
- Một số bệnh nhân có triệu chứng viêm tai giữa thanh dịch liên tục và kéo dài trên 3 tháng nhưng không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa.
- Bệnh nhân bị viêm tai giữa thanh dịch và điếc dẫn truyền, làm ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ cũng như ảnh hưởng đến chất lượng làm việc và học tập.
- Bệnh nhân bị viêm tai giữa dẫn đến tắc vòi nhĩ do biến chứng của bệnh lý VA phì đại gây ra tình trạng viêm tai giữa thanh dịch.
Tại sao viêm tai giữa phải đặt ống thông khí màng nhĩ?
Khi bệnh viêm tai giữa không đáp ứng điều trị nội khoa, dịch trong tai giữa của bệnh nhân khi không thoát ra ngoài được, rất dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm khó lường ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe sau này. Dưới đây là những lợi ích mà việc đặt ống có thể mang lại:
- Giúp khôi phục lại hệ thống thông khí của tai và dịch trong tai được thoát ra ngoài.
- Ống thông có tác dụng giúp giữ cân bằng áp lực giữa ống tai ngoài và tai giữa. Từ đó, giảm nguy cơ nhiễm trùng tai giữa.
- Đặt ống giúp khôi phục và còn cải thiện một phần đáng kể về thính giác của bệnh nhân.
- Đặt ống còn giúp cải thiện khả năng nói.
- Thời gian để thực hiện đặt ống thông khí màng nhĩ rất ngắn, với thời gian khoảng 60 phút cho 2 bên tai. Do đó, không mất quá nhiều thời gian của bệnh nhân. Sau khi đặt ống thông khí màng nhĩ 1 đến 2 giờ, bệnh nhân có thể về nhà ngay trong ngày.
Phương pháp phẫu thuật mở đặt ống điều viêm tai giữa
Các bước tiến hành phẫu thuật đặt ống mở
- Bước 1: Đối với người lớn, trước tiên có thể tiến hành gây tê cục bộ. Tuy nhiên, đối với trẻ em nhỏ tuổi cần thực hiện gây mê để việc tiến hành chất lượng hơn.
- Bước 2: Khử trùng ống tai và màng nhĩ của bệnh nhân.
- Bước 3: Bác sĩ sẽ chích rạch màng nhĩ sau đó hút sạch trong hòm tai qua lỗ thông.
- Bước 4: Đặt ống thông qua lỗ vừa chích rạch.
- Bước 5: Đặt tente có tẩm thuốc sát khuẩn vào ống tai cho bệnh nhân.
Theo dõi và chăm sóc sau phẫu thuật đặt ống mở
- Sau khi hoàn thành xong các bước tiến hàng, bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận trong tuần đầu để kiểm tra tình trạng của ống thông, nếu sau đó có nhiều dịch, bệnh nhân cần được hút sạch những dịch đó ra bên ngoài.
- Ống thông khí này có thể được đặt trong tai của bệnh nhân từ 6 tháng cho đến 1 năm.
- Trong thời gian đặt ống, bệnh nhân cần tránh để nước rơi vào tai.
- Khi rút ống thông, bệnh nhân cần kiểm tra thính lực và kiểm tra ống thông.
Tai biến và xử trí sau khi đặt ống mở
Bất kì cuộc phẫu thuật nào dù lớn dù nhỏ cũng có thể tiềm ẩn những nguy cơ gây ra những tai biến không mong muốn. Tuy nhiên, không phải bất kì cuộc phẫu thuật nào cũng có thể xảy ra những tai biến đó. Khi có dấu hiệu của sự bất thường nào đó sau khi đặt ống, bệnh nhân nên tái khám ngay nhằm được bác sĩ kiểm tra và điểu trị kịp thời. Dưới đây là những tai biến và cách xử trí sau khi đặt ống mà bạn đọc có thể tham khảo:
- Đối với một số trường hợp có thể bị tụt ống thông khí màng nhĩ: Lúc này, bệnh nhân cần đặt lại các bước như trên. Nếu ống thông tụt vào trong hòm tai, lúc này bác sĩ cần giải phóng màng nhĩ để lấy ra.
- Tai biến điếc tiếp nhận: Trường hợp này thường do việc chích rạch tiến hành không đúng vị trí.
- Trường hợp trật khớp xương con: Bệnh nhân cần phẫu thuật đặt ống lại.
- Bị viêm tai sau đặt ống thông màng nhĩ: Do chỗ đặt ống không liền, gây ra thủng màng nhĩ. Lúc này, bệnh nhân cần sử dụng kháng sinh toàn thân.
- Bị tắc ống thông khí màng nhĩ: Bệnh nhân cần được kiểm tra dưới kính hiển vi, sau đó hút và làm sạch chỗ tắc khỏi ống thông.
- Bị bệnh Cholesteatoma tai: Tuy nhiên, trường hợp này thường hiếm gặp.
Phương pháp phẫu thuật nội soi đặt ống điều viêm tai giữa
Các bước tiến hành đặt ống nội soi
- Bước 1: Đối với trẻ em cần phải gây mê và đối với người lớn cần gây tê cục bộ.
- Bước 2: Đưa ống nội soi vào trong ống tai của bệnh nhân, sau đó chỉnh ống nội soi sao cho màng nhĩ nằm đúng hướng và chính giữa của màn hình.
- Bước 3: Tiến hành gây tê kiểu tiêm thấm dưới da, sao cho da sàn ống tai đến sát bờ màng nhĩ và chuyển sang màu trắng nhưng không bị phồng rộp.
- Bước 4: Tiến hành rạch màng nhĩ ở góc trước, chiều dài đường rạch từ 1,5 đến 2 mm tùy từng loại ống thông khí.
- Bước 4: Đặt ống thông qua lỗ trích rạch bằng kẹp phẫu tích vi phẫu hoặc que nhọn.
- Bước 5: Theo dõi tình trạng toàn thân và tại chỗ do vấn đề dị ứng thuốc tê có thể xảy ra với bệnh nhân.
Tai biến và xử trí sau khi đặt ống nội soi
- Nếu bệnh nhân bị chảy máu, ngay lập tức máu cần hút sạch.
- Trường hợp tụt hoặc tắt ống thông: Bệnh nhân cần đặt lại nếu tụt và cần hút sạch dịch nếu bị bít tắc.
- Bệnh viêm tai giữa có mủ: Đối với trường hợp này bệnh nhân cần được điều trị bằng thuốc nhỏ tại chỗ.
Sau khi hoàn thành dù phẫu thuật đặt ống mở hay nội soi, bệnh nhân nên kiểm tra tai thường xuyên sau khi đặt ống thông khí màng nhĩ. Phẫu thuật này chỉ được xem là giải pháp tạm thời và bệnh nhân bạn cần phải phối hợp với các biện pháp điều trị nguyên nhân để giải quyết tình trạng bệnh triệt để.
Hoàng Yến
Nguồn tham khảo: Tổng hợp