Tìm hiểu điểm tương đồng giữa sỏi mật và polyp túi mật
Có người chỉ bị sỏi mật hoặc polyp túi mật nhưng cũng có trường hợp mắc cả hai. Việc chẩn đoán bằng phương pháp siêu âm có thể giúp xác định được đâu là sỏi và đâu là polyp dựa trên đặc tính cụ thể của từng bệnh.
Tìm hiểu chung về sỏi mật và polyp túi mật
Sỏi mật và polyp túi mật là những bệnh về túi mật khá phổ biến, chúng có những triệu chứng tương tự nhau nhưng về bản chất thì đây là 2 bệnh hoàn toàn khác nhau.
Sỏi mật là gì?
Sỏi mật được hình thành từ sự kết tinh của các thành phần cholesterol, bilirubin (sắc tố mật) hay canxi có trong dịch mật. Sỏi mật có thể nằm ở đường dẫn mật hoặc trong túi mật.
Dựa theo thành phần cấu tạo chủ yếu, sỏi túi mật được phân thành 3 loại chính:
- Sỏi cholesterol: Là loại sỏi mật thường gặp, với thành phần cholesterol chiếm hơn 70%.
- Sỏi sắc tố (bilirubin): Là loại sỏi đa dạng kích thước và hình dạng với thành phần chính là sắc tố mật. Sỏi sắc tố lại được chia thành sỏi sắc tố đen và sỏi sắc tố nâu.
- Sỏi hỗn hợp: Là sự kết hợp của sỏi cholesterol và sỏi sắc tố nên không có đặc trưng thành phần cấu tạo. Loại sỏi này hình thành do các nguyên nhân làm lắng đọng và tạo sỏi do ứ trệ lưu thông dịch mật, thường gặp ở các đối tượng có thói quen ít hoạt động, ngồi nhiều.
Sỏi mật có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như: Viêm túi mật cấp, viêm đường mật, viêm tụy cấp, ung thư túi mật…
Sỏi mật được chia thành 3 loại chính
Polyp túi mật là gì?
Polyp túi mật là các tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Polyp túi mật xuất phát từ thành túi mật sau đó phát triển lồi vào trong lòng túi mật.
Polyp túi mật lành tính chiếm khoảng 92 - 95% các trường hợp. Loại polyp này không nguy hiểm và không có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Chúng chủ yếu gây cản trở lưu thông dịch mật, gây rối loạn tiêu hóa và tăng nguy cơ tắc mật, viêm túi mật…
Polyp túi mật ác tính chiếm khoảng 5 - 8% với đặc điểm nhận dạng thường có kích thước hơn 10mm. Đặc biệt, những polyp có kích thước lớn hơn 15mm có nguy cơ chứa các tế bào ung thư đến 46 – 70%.
Polyp túi mật chủ yếu gây cản trở lưu thông dịch mật
Polyp túi mật được phân thành 5 loại như sau:
- Polyp cholesterol: Polyp cholesterol thường có cuống và có kích thước polyp nhỏ, chỉ từ 2 -10mm.
- U cơ tuyến túi mật: Loại polyp này là các khối cholesterol, bùn mật, có thể mọc khu trú hoặc lan tỏa.
- Polyp viêm: Thường kích thước polyp từ 5 – 10 mm và là dạng polyp đơn độc, được cấu tạo từ các mô hạt, xơ và tế bào bị viêm.
- Polyp tuyến: Là dạng polyp túi mật không cuống và thường mọc đơn độc.
- Các dạng polyp hiếm gặp khác: Gồm khối u mỡ, u tế bào hạt, u xơ, các mô dị hình,...
Các biến chứng do polyp túi mật thường gặp có thể kể đến như: Chèn ép túi mật, viêm dạ dày, rối loạn tiêu hóa, biến chứng ung thư…
Điểm tương tự của sỏi mật và polyp túi mật
Phần lớn bệnh nhân bị sỏi hay polyp túi mật không xuất hiện triệu chứng, chủ yếu được tình cờ phát hiện lúc khám sức khỏe định kỳ hay đi khám vì các lý do khác.
Với các trường hợp sỏi mật và polyp túi mật có kích thước lớn hơn 10mm, cơ thể bệnh nhân có thể có các biểu hiện giống nhau sau đây:
- Đau bụng hạ sườn phải. Bệnh nhân có thể đau tức nhẹ đến dữ dội vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị. Cơn đau thường xuất hiện sau bữa ăn, đặc biệt là sử dụng thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ.
- Buồn nôn, khó tiêu.
- Sốt.
- Vàng mắt vàng da.
Bệnh nhân sỏi mật và polyp túi mật sẽ có nhiều biểu hiện tương đồng
Phương pháp chẩn đoán và điều trị chung cho bệnh nhân sỏi mật và polyp túi mật
Chẩn đoán
Các phương pháp chẩn đoán sau đều có thể áp dụng cho điều trị sỏi mật và polyp túi mật:
- Siêu âm ổ bụng giúp xác định vị trí, kích thước, hình dạng sỏi hoặc polyp. Nhược điểm của phương pháp này là không thể xác định được polyp lành tính hay ác tính.
- Chụp cắt lớp vi tính túi mật.
- Chụp cộng hưởng từ (MRCP) mang lại hình ảnh chi tiết về gan, tuyến tụy, ống tụy, túi mật và ống mật. Là phương pháp giúp phát hiện sỏi mật, viêm túi mật và thường được chỉ định khi có nghi ngờ là polyp ác tính.
- Các xét nghiệm sinh hóa giúp phát hiện túi mật có bị nhiễm trùng hay không. Đồng thời đánh giá chức năng gan mật, test virus viêm gan,…
Điều trị
Sỏi mật và polyp túi mật không thể tự hết hoặc tự biến mất. Hướng điều trị sỏi mật và polyp túi mật thường được chỉ định dựa vào kích thước sỏi hay polyp và các triệu chứng đi kèm.
Điều trị nội khoa thường áp dụng cho các trường hợp nhẹ
Điều trị nội khoa
- Được áp dụng trong các trường hợp sỏi túi mật và polyp có kích thước nhỏ và chưa gây ra triệu chứng.
- Sử dụng thuốc kháng sinh phối hợp phổ rộng, dịch truyền, vitamin K giúp giảm đau, chống co thắt. Đồng thời hạn chế chất béo, dầu mỡ, đồ ăn nhanh, cay nóng và các chất kích thích: Rượu bia, thuốc lá.
- Người bệnh nên nghỉ ngơi kết hợp tập thể dục đều đặn, vận động nhẹ nhàng. Cần phải tái khám định kỳ mỗi 3 tháng hoặc khi xuất hiện những triệu chứng bất thường.
Can thiệp ngoại khoa cắt túi mật
Phẫu thuật cắt bỏ túi mật thường được chỉ định trong những trường hợp:
- Sỏi mật có kích thước lớn hoặc gây ra biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng.
- Một polyp và polyp có chân rộng, polyp có kích thước lớn hơn 10mm, viêm túi mật thường xuyên, đa polyp túi mật và polyp túi mật gây đau.
- Để điều trị ung thư túi mật có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật lấy đi túi mật, một phần mô xung quanh và kể cả những hạch lân cận.
Với nền y học phát triển hiện nay, bên cạnh phương pháp mổ mở truyền thống, hiện nay còn có phương pháp cắt bỏ túi mật mổ nội soi hiện đại, ít xâm lấn. Phương pháp này giúp người bệnh tránh được một vết mổ dài nên bớt đau, ít chảy máu, hạn chế các biến chứng trong và sau phẫu thuật.
Trường hợp nặng ung thư túi mật phải phẩu thuật để điều trị
Qua bài viết này chắc hẳn đã giúp bạn có thêm thông tin về bệnh lý sỏi mật, polyp túi mật cũng như những điểm giống nhau và khác biệt giữa chúng. Rất nhiều người không có thói quen chú ý tới túi mật đến khi xuất hiện tình trạng khó chịu, đau quặn bụng thì túi mật đã bị viêm nhiễm, sỏi mật, polyp… Vì vậy, hãy chú ý lưu tâm và chăm sóc bộ phận này để đề phòng các bệnh túi mật, bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Minh QA
Nguồn: Tổng hợp