Thủy đậu gây đau họng có nguy hiểm không?
Bệnh thủy đậu (trái rạ) là một nỗi ám ảnh của rất nhiều người bởi những biến chứng của nó sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm nếu chúng ta không có kiến thức về bệnh. Hơn thế, trong thời gian bị bệnh nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người bệnh. Ngoài các nốt ban ngứa trên da, một trong các triệu chứng nổi bật đó là thủy đậu gây đau họng.
Bạn đã biết gì về bệnh thủy đậu gây đau họng?
Thủy đậu do một virus tên Varicella Zoster gây ra. Dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu là khắp cơ thể bị nổi các mụn nước bị phồng to, đỏ thường đi kèm với sốt. Thủy đậu rất dễ lây khi tiếp xúc với người bệnh qua đường hô hấp, qua các nốt hồng ban bóng nước.
Một trong những biến chứng nghiêm trọng của thủy đậu đó là nhiễm trùng da nơi nốt thủy đậu, nặng hơn là viêm phổi, viêm não, tiểu cầu não. Nhiều người thường kèm theo các chứng đau họng khi bị thủy đậu, điều này rất bất tiện cho việc ăn uống và vệ sinh răng miệng.
Tại sao người bệnh bị đau họng khi bị thủy đậu?
Trong nửa ngày đến một ngày phát bệnh, nốt thủy đậu cũng bắt đầu lan tỏa khắp cơ thể, kể cả bộ phận sinh dục, miệng hay đầu. Ngoài việc thủy đậu gây đau họng, bệnh còn gây đau đầu, ốm sốt.
Đau họng không phải là biến chứng của thủy đậu. Người bệnh bị đau họng khi bị thủy đậu là do triệu chứng sốt đi kèm hoặc những nốt thủy đậu mọc ngay trong miệng. Những nốt này sẽ tự khô đi, trở thành vẩy và tróc ra không để lại sẹo trong khoảng thời gian ngắn 5 - 10 ngày nếu không có biến chứng gì xảy ra.
Lối sống lành mạnh cho người bị thủy đậu gây đau họng
Thủy đậu là một bệnh lành tính nhưng chúng ta hãy tự trang bị kiến thức tốt cho chính mình và những người thân xung quanh để bệnh có tiến triển tốt hơn. Cụ thể là:
Thủy đậu mọc trong miệng khiến việc vệ sinh răng miệng rất khó khăn. Tuyệt đối không sử dụng bàn chải đánh răng mà chỉ dùng nước muối loãng để vệ sinh răng miệng.
Món ăn phù hợp cho những người bị thủy đậu gây đau họng là các món loãng và mềm như nước canh, cháo, súp,... Món cháo thích hợp với người bệnh thủy đậu là cháo đậu đỏ.
Uống nước đầy đủ mỗi ngày để thanh lọc cơ thể. Bổ sung thêm các thực phẩm vitamin C cho người bệnh như nước cam, chanh.
Không quá kiêng nước mà nên tắm bằng nước ấm mỗi ngày, không được chà xát mạnh.
Người bị thủy đậu nên nghỉ ngơi ngay tại nhà, trong phòng kín nhưng thoáng. Đặc biệt không nên kiêng gió, ánh sáng quá nhiều.
Người bệnh mặc quần áo rộng, thoáng. Nên thay 2 bộ quần áo mỗi ngày, quần áo cần được giặt sạch và phơi dưới ánh nắng mặt trời. Nếu không có ánh nắng mặt trời thì nên ủi quần áo trước khi mặc.
Hạn chế chạm vào nốt thủy đậu để chúng không bị vỡ và gây nhiễm trùng, lây cho những người xung quanh.
Khi nốt thủy đậu vỡ cần bôi thuốc xanh Methylen hoặc thuốc mỡ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh vệ sinh cá nhân người bệnh cũng phải vệ sinh môi trường sống.
Nếu người bệnh cảm thấy khó chịu thì cần tới bệnh viện để khám và điều trị.
Thủy đậu gây đau họng là một trong những triệu chứng rất hay gặp phải nên người bị thủy đậu hoặc phụ huynh có con bị thủy đầu cần phải lưu ý. Cách tốt nhất để hạn chế tình trạng thủy đậu chính là phòng bệnh thủy đậu ngay từ ban đầu. Hiện nay, phụ huynh có thể thể đưa trẻ đến các trung tâm y tế để được tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Trường Quyên