Thiếu máu cấp và tất tần tật những điều bạn cần phải biết
Mặc dù không phổ biến trong cuộc sống nhưng thiếu máu cấp lại là căn bệnh rất nguy hiểm cần được phát hiện và điều trị kịp thời.
Thiếu máu là tình trạng giảm lượng huyết sắc tố và số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi gây ra thiếu oxy ở các mô tế bào trong cơ thể. Thiếu máu cấp xuất hiện nhanh trong vài giờ hoặc có thể đến vài ngày. Để có thể chẩn đoán một cách chính xác, phân loại và tìm nguyên nhân của hội chứng thiếu máu, cần phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm. Dưới đây là những thông tin sơ bộ về thiếu máu cấp mà chúng ta cần nắm rõ.
1. Các triệu chứng lâm sàng của thiếu máu cấp
![Thiếu máu cấp và tất tần tật những điều bạn cần phải biết 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/thieu_mau_cap_1_7d7b2e6dda.jpg)
Người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng cơ năng như: ù tai, hoa mắt, chóng mặt thường xuyên, hay thậm chí có thể bị ngất lịm. Khi căn bệnh chuyển biến nặng hơn còn gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ, mất ngủ, tê mỏi chân tay, khó thở, chán ăn, hay đau vùng trước tim do thiếu máu cơ tim.
Bên cạnh đó có thể nhận biết thiếu máu cấp do những triệu chứng thực thể gây ra. Nếu thiếu máu do rối loạn chuyển hóa sắt, da người bệnh sẽ xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, màu lưỡi nhạt, tóc rụng, mạch nhanh, móng tay giòn dễ gẫy,… Không sớm phát hiện và điều trị kịp thời, thiếu máu có thể dẫn tới suy tim.
2. Các tác hại của bệnh thiếu máu cấp
![Thiếu máu cấp và tất tần tật những điều bạn cần phải biết 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/thieu_mau_cap_2_0baf5a9459.jpg)
Suy tim toàn bộ là biến chứng nặng nhất của thiếu máu cấp. Người bệnh bị thiếu máu nhiều sẽ nghe rõ được tiếng thổi ở mỏm tim và ở van động mạch phổi. Tăng liên tục lưu lượng tim sẽ làm tim to lên, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe người bệnh. Suy tim do bệnh thiếu máu bao gồm suy tim toàn bộ và suy tim với cung lượng tim cao.
Thiếu máu cấp còn ảnh hưởng xấu tới khả năng lao động, gây mất tập trung, mệt mỏi kéo dài. Đối với trường hợp phụ nữ có thai, trong kỳ sinh đẻ người mẹ thường yếu và có thể bị chảy máu nặng, thiếu máu cấp có thể làm tăng nguy cơ chết mẹ, trẻ sinh ra có cân nặng thấp, sức đề kháng yếu và có nguy cơ tử vong cao.
3. Chẩn đoán nguyên nhân thiếu máu cấp
![Thiếu máu cấp và tất tần tật những điều bạn cần phải biết 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/thieu_mau_cap_3_1c76775721.jpg)
Ngoài cách dựa vào các biểu hiện lâm sàng, thiếu máu cấp xảy ra phần lớn còn do chảy máu cấp và tan máu cấp. Các nguyên nhân của chảy máu cấp thường gặp như: tai nạn, chấn thương, tai biến mạch máu, rối loạn cầm máu, giảm tiểu cầu, xuất huyết…Các nguyên nhân tan máu cấp thường do: nhiễm độc thuốc, nọc độc rắn, sốt rét, tan máu tự miễn…Có thể chẩn đoán thiếu máu cấp theo 3 mức độ: thiếu máu mức độ nhẹ, thiếu máu mức độ trung bình và thiếu máu mức độ nặng. Các bác sĩ sẽ xét nghiệm chẩn đoán để đưa ra được phương pháp điều trị hợp lý sau đó.
4. Phương pháp điều trị bước đầu
Nếu phát hiện người có những biểu hiện của thiếu máu cấp, hãy nhanh chóng đặt bệnh nhân yên tĩnh, ủ ấm ở nơi thoáng khí, cho nằm đầu thấp để tránh thiếu oxy não. Trường hợp với người bị chảy máu nhiều, chúng ta cần phải cầm máu tại chỗ, chống và phòng sốc. Chuyển bệnh nhân đến tuyến truyền máu kịp thời để tìm ra nguyên nhân và xử trí tiếp sau khi được thoát sốc.
Thiếu máu cấp là căn bệnh rất nguy hiểm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, đặc biệt khi bé bị thiếu máu, với sức đề kháng vốn đã yếu của trẻ em, tình trạng này càng nguy hiểm. Cần lưu ý phát hiện sớm những biểu hiện để nhanh chóng điều trị một cách tốt nhất.
Linh Đan