So sánh đau mắt đỏ và đau mắt hột: Những điểm giống và khác nhau
Nếu không biết so sánh bệnh đau mắt đỏ và đau mắt hột, người bệnh có thể sẽ lựa chọn sai phương pháp điều trị. Điều này sẽ khiến bệnh tình kéo dài và lâu khỏi hơn.
1. Đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ là tình trạng kết mạc bị viêm nhiễm sưng lên do viêm gây đỏ và đau nhức. Người bệnh có thể bị đau mắt đỏ ở cả hai mắt hoặc chỉ ở một bên mắt. Các triệu chứng đau mắt đỏ điển hình như đỏ mắt, ngứa, chảy nước mắt,... sẽ gây khó chịu cho người bệnh, tuy nhiên bệnh không ảnh hưởng tới thị lực. Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị đau mắt đỏ. Dịch đau mắt đỏ thường xảy ra vào mùa thu.
Đau mắt đỏ là bệnh truyền nhiễm nên khi mắc bệnh cần được cách ly và điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan và bùng phát thành dịch. Căn bệnh này có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc trị đau mắt đỏ chỉ sau một thời gian ngắn. Đối với một số trường hợp sau đau mắt đỏ bị mờ mắt nhưng triệu chứng này cũng sẽ biến mất rất nhanh sau vài ngày.
![So sánh đau mắt đỏ và đau mắt hột: Những điểm giống và khác nhau 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/so_sanh_dau_mat_do_va_dau_mat_hot_nhung_diem_giong_va_khac_nhau_1_3ed57dc937.jpg)
2. Đau mắt hột là gì?
Bệnh mắt hột là tình trạng viêm kết mạc mãn tính. Nguyên nhân do mắt nhiễm một loại vi sinh vật là Chlamydia trachomatis. Ngoài ra, nhiều tác nhân vi sinh vật khác cũng có thể gây bệnh mắt hột. Nếu không điều trị hoặc điều trị quá muộn, người bệnh có thể gặp phải các tổn thương nghiêm trọng ở giác mạc, dẫn đến mù lòa. Bệnh có thể lay lan khi tiếp xúc với dịch mắt của những người mắc bệnh đau mắt hột, nhưng chủ yếu là do môi trường xung quanh, vệ sinh kém, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.
3. Những điểm giống nhau khi so sánh bệnh đau mắt đỏ và đau mắt hột
Hai căn bệnh đều là tình trạng kết mạc bị viêm nhiễm và bắt nguồn từ các loại vi khuẩn và virus trong môi trường gây ra. Thói quen sinh hoạt không phù hợp hoặc tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, ẩm ướt, là điều kiện tốt cho các loại virus, vi khuẩn phát triển là nguyên nhân khiến nhiều người mắc phải hai căn bệnh này.
Những người mắc hai căn bệnh này đều có triệu chứng chảy nước mắt, ngứa mắt và bị mỏi mắt gây ảnh hưởng tới thị lực trong quá trình mắc bệnh, khiến người bệnh có cảm giác bất tiện và khó chịu.
![So sánh đau mắt đỏ và đau mắt hột: Những điểm giống và khác nhau 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/so_sanh_dau_mat_do_va_dau_mat_hot_nhung_diem_giong_va_khac_nhau_2_4e9504eb67.jpg)
4. Những điểm khác nhau khi so sánh bệnh đau mắt đỏ và đau mắt hột
Mặc dù có một số triệu chứng tương đồng, nhưng những dấu hiệu điển hình của hai căn bệnh là hoàn toàn khác nhau. Người bị đau mắt đỏ , kết mạc sẽ bị đỏ lên do các mạch máu bị viêm. Nhưng đối với người đau mắt hột, vùng kết mạc mắt không đỏ mà có cảm giác bị cộm như có hạt bụi bay vào mắt.
Bệnh đau mắt đỏ mặc dù gây khó chịu, không gây ảnh hưởng tới thị lực của người bệnh nhưng có thể tự khỏi trong một thời gian ngắn mà không cần sử dụng thuốc. Đối với đau mắt hột thì lại khác, bệnh có thể kéo dài qua nhiều ngày, tình trạng bệnh được chia thành hai loại nhẹ và nặng. Đau mắt hột dạng nhẹ, bệnh có thể sẽ tự khỏi sau một thời gian mà không gây ảnh hưởng tới khả năng nhìn của mắt. Đau mắt hột dạng nặng, nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây tổn thương nghiêm trọng hơn và dẫn tới mù lòa.
5. Cách phòng ngừa đau mắt đỏ và đau mắt hột
![So sánh đau mắt đỏ và đau mắt hột: Những điểm giống và khác nhau 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/so_sanh_dau_mat_do_va_dau_mat_hot_nhung_diem_giong_va_khac_nhau_3_e199d5e6e7.jpg)
Mặc dù khi so sánh bệnh đau mắt đỏ và đau mắt hột có rất nhiều điểm khác nhau, nhưng cách phòng tránh chúng thì rất tương đồng. Các loại virus, vi khuẩn gây bệnh đều bắt nguồn từ môi trường sống bẩn, vệ sinh kém, và thói quen sinh hoạt bừa bãi. Vì thế, để hạn chế sự xuất hiện của 2 căn bệnh này, mọi người cần biết giữ gìn vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay, rửa mặt, không dùng chung khăn mặt, không dụi mắt khi tay chưa được vệ sinh sạch sẽ. Mọi người nên tập thói quen vệ sinh mắt hàng ngày bằng nước muối, đi ra đường sử dụng kính để che chắn bụi bẩn.
Nếu xuất hiện những triệu chứng bất thường, có cảm giác khó chịu ở mắt, hãy tới gặp các bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Luôn tuân theo chỉ định của bác sĩ và không quá lạm dụng thuốc nhỏ mắt.
Uyên