Ô nhiễm không khí đáng báo động tại TP.HCM

Trong hơn 10 năm qua, tình trạng ô nhiễm không khí tại TP.HCM luôn vượt mức cho phép. Đỉnh điểm là từ giữa năm 2018 đến nay, vấn đề ô nhiễm không ngừng được đề cập đến, nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân ngày càng cao.

Ô nhiễm không khí là tình trạng các thành phần trong không khí có sự thay đổi về chất và lượng. Sự góp mặt ngày càng nhiều của các chất ô nhiễm, chất lạ, bụi mịn, chất phóng xạ… khiến thành phần không khí mất cân bằng và trở nên độc hại hơn.

Theo báo cáo Viện Công nghiệp Blacksmith Institute năm 2008 liệt kê, ô nhiễm không khí là vấn đề ô nhiễm độc hại tồi tệ nhất trên thế giới, nguy hại đến sức khỏe con người, nghiêm trọng hơn có thể gây tử vong.

Ô nhiễm không khí đáng báo động tại TP.HCM 1Lớp sương mù dày đặc kéo dài là hậu quả do ô nhiễm không khí.

Chỉ số ô nhiễm không khí tại TP.HCM vượt mức cho phép

Mức độ ô nhiễm không khí thường được xác định bởi Chỉ số AQI - tiêu chuẩn đo chất lượng không khí ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo AQI, nếu ở mức 51 - 100 điểm, chất lượng không khí ở mức trung bình nhưng được cho là "chấp nhận được". Tuy nhiên có thể gây lo ngại với nhóm người nhạy cảm.

Chỉ số AQI trên 100, không khí được cho là nguy hại từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng. Và có nhiều thời điểm trong năm, chỉ số này tại TP.HCM đã vượt mức 100 điểm.

AQI được quy đổi từ số đo PM 2.5 - mật độ hạt bụi có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet có trong không khí quanh máy quan trắc. Sở dĩ, số đo PM 2.5 được chú ý là bởi loại bụi siêu mịn này có thể len sâu vào phổi, ngấm vào máu gây hàng loạt các bệnh về hô hấp và ung thư.

Trong 24 giờ, chỉ số PM 2.5 trên 25 đã là không lành mạnh. Nếu chỉ số này lên khoảng 37,5 thì nguy cơ tử vong sẽ tăng 1,2% trong ngắn hạn.

Trung bình năm, chỉ số PM 2.5 tiêu chuẩn chỉ là 10, ở mức 35, nguy cơ tử vong sớm dài hạn lên tới 15%.

Theo WHO, chỉ số PM 2.5 nên ở dưới mức 25 μg/m3 trung bình 24 giờ. Trong khi đó, AQI 100 điểm tương ứng với PM 2.5 là 35,4. Điều này cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí ở TP.HCM đã đến mức đáng báo động.

Ô nhiễm không khí đáng báo động tại TP.HCM 2Mức ô nhiễm không khí tại TP.HCM luôn trong tình trạng báo động.

Người dân thành phố đối diện với nguy cơ ung thư

Tại TP.HCM, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí hàng đầu là khói bụi từ các phương tiện vận tải do hoạt động giao thông ở khu vực luôn trong tình trạng quá tải, khí thải độc hại ở các khu công nghiệp và thói quen hút thuốc lá của người dân.

Đây cũng là nguyên nhân gia tăng tỉ lệ người bệnh hen, phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiễm trùng hô hấp, rối loạn hô hấp trong giấc ngủ, trẻ em có chức năng hô hấp kém… Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng, ô nhiễm không khí còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn và tăng nguy cơ dẫn đến ung thư phổi.

Ô nhiễm không khí đáng báo động tại TP.HCM 3Phương tiện vận tải là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí tại thành phố.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS.BS Cung Thị Tuyết Anh (nguyên phó trưởng bộ môn Ung thư học khoa Y, ĐH Y dược TP.HCM), nghiên cứu thực nghiệm ở động vật cho kết quả có khoảng 500 thành phần hóa học trong khí thải có thể gây đột biến gene.

Người ta cũng phát hiện ở những người sống trong đô thị ô nhiễm có tổn thương DNA trên bạch cầu, tổn thương DNA trong lympho bào và niêm mạc mũi cùng các thay đổi bất thường ở cấp tế bào… Các tổn thương DNA chính là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh ung thư.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân lớn nhất gây bệnh tật và chết sớm trên toàn thế giới. Đe dọa sức khỏe hầu như toàn bộ cư dân sống trong các thành phố lớn tại những nước đang phát triển. Và ở Việt Nam, vấn đề ô nhiễm luôn trong tình trạng khẩn cấp.

Do vậy, để hạn chế tình trạng ô nhiễm tại TP.HCM hiện nay, GS. Lê Huy Bá đề nghị lãnh đạo UBND TP.HCM di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, đồng thời đẩy mạnh cải tiến công nghệ, ưu tiên sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

Cũng theo nhiều chuyên gia về quản lý đô thị, giải pháp căn cơ là thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt đối với phương tiện sử dụng khí thiên nhiên. Song song đó, hạn chế gia tăng các phương tiện cá nhân và siết chặt tiêu chuẩn khí thải nhằm hạn chế xe cũ, không đạt chuẩn lưu thông trên đường.

Ô nhiễm không khí đáng báo động tại TP.HCM 4Tạo mảng xanh trong các khu đô thị giúp thanh lọc không khí hiệu quả hơn.

Mặc dù TP.HCM luôn trong tình trạng ‘đất chật người đông’ nhưng cũng cần quan tâm đến việc tạo mảng xanh cho thành phố nhằm điều hòa không khí. Với hộ gia đình, khuyến khích người dân trồng cây xanh trong nhà, nếu không đủ diện tích thì trồng dây leo, tận dụng các khoảng đất nhỏ để thanh lọc không khí. Ý thức của mỗi người về việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo không gian nhà ở trong lành chính là tiền đề để tạo nên thành phố xanh hơn, sạch hơn.



Chat with Zalo