Những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ho và nôn trớ mẹ cần biết
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ho và nôn trớ ở trẻ sơ sinh. Phụ huynh nên biết cách phân biệt các nguyên nhân này nhằm biết cách xử trí, đảm bảo sự phát triển toàn diện, an toàn cho trẻ trong những tháng đầu đời.
Nguyên nhân gây ho và nôn trớ ở trẻ sơ sinh
Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể, xảy ra khi có dị vật hay dịch nhờn ứ đọng nhiều trong đường hô hấp, gây cản trở sự lưu thông khí. Ho sẽ giúp khai thông đường thở, nâng cao hiệu quả trao đổi khí cho trẻ sơ sinh.
Nôn trớ cũng là hiện tượng thường xuyên xuất hiện ở trẻ sơ sinh, phản ứng này sẽ đẩy ngược chất có trong dạ dày lên miệng. Thông thường, nôn trớ có thể xảy ra do trẻ ăn quá no, vặn mình, rướn người, mẹ cho bú không đúng tư thế,...
Trong những trường hợp như thế này, ho và nôn trớ không phải là triệu chứng bệnh lý mà chỉ là phản ứng sinh lý bình thường của trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ ho kèm dấu hiệu sốt, khó thở, thở khò khè hay nôn tất cả mọi thứ ăn vào, bỏ bú, quấy khóc, tiêu chảy, không tăng cân,... thì mẹ cần đưa ngay con đến bác sĩ để thăm khám và điều trị vì đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý ở trẻ sơ sinh dưới đây:
Bệnh lý về hô hấp
Các bệnh liên quan đến đường hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm thanh quản, viêm amidan, viêm tai giữa,...) hay đường hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản,...) là nguyên nhân hàng đầu gây ho ở trẻ. Bé con trong những tháng đầu đời có hệ miễn dịch còn non nớt nên rất dễ bị virus, vi khuẩn từ môi trường bên ngoài tấn công và gây bệnh.
Các bệnh liên quan đến đường hô hấp là nguyên nhân hàng đầu gây ho ở trẻ
Bệnh lý về tiêu hóa
Các trạng thái không ổn định ở đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày thực quản, viêm ruột, nôn chu kỳ,... cũng là tác nhân gây nôn trớ ở trẻ nhỏ. Mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để có hướng điều trị hiệu quả. Ngoài ra, mẹ cũng không nên cho bé bú quá no, không ép con ăn quá nhiều khiến trẻ sợ thức ăn. Sau khi bú xong nên bế bé ở tư thế cao đầu đồng thời vỗ nhẹ lưng giúp bé trẻ ợ hơi, không cho trẻ nằm ngay để hạn chế tình trạng nôn trớ.
Bên cạnh các bệnh liên quan đến hệ hô hấp và hệ tiêu hóa, ho và nôn trớ ở trẻ sơ sinh còn là triệu chứng một số bệnh lý hiếm khác như viêm não, viêm màng não, nhiễm trùng máu,... Những tình trạng này tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Nếu phụ huynh phát hiện bé con nhà mình bị ho, nôn trớ đi kèm với sốt cao, li bì, khó đánh thức hay co giật thì cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được chữa trị.
Các trạng thái không ổn định ở đường tiêu hóa là tác nhân gây nôn trớ ở trẻ nhỏ
Cách xử lý khi trẻ bị ho và nôn trớ
Ho và nôn trớ là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phụ huynh cần bình tĩnh xử lý theo các cách sau:
- Khi trẻ sơ sinh xuất hiện hiện tượng ho và nôn trớ, mẹ nên dùng khăn sạch loại bỏ những vết bẩn, dịch nhầy quanh miệng rồi quấn nhẹ khăn quanh cổ bé để ngăn bé không nôn tiếp.
- Vuốt lưng và ngực cho trẻ theo hướng từ trên xuống để làm dịu cơn ho, không bế xốc bé khi bé đang trớ vì có thể làm dịch nôn tràn vào phổi, gây tắc đường hô hấp và khiến trẻ khó thở.
- Đặt bé nằm yên, đầu kê cao, phần thân trên luôn cao hơn phần thân dưới. Nếu phát hiện bé ho và ọc sữa, phụ huynh nên để bé nằm nghiêng người sang một bệnh, tránh nguy cơ dịch nôn tràn vào phổi.
- Mẹ không nên cho bé uống sữa ngay lúc vừa ho hay nôn xong. Hãy đợi một thời gian cho trạng thái của bé đã ổn định thì bổ sung nước cho trẻ bằng cách cho bú sữa, uống nước ấm hoặc bổ sung nước oresol từng ngụm nhỏ một.
Vuốt lưng và ngực cho trẻ theo hướng từ trên xuống để làm dịu cơn ho
Cách phòng ngừa ho và nôn trớ ở trẻ sơ sinh
Nếu ho và nôn trớ diễn ra thường xuyên (không do bệnh lý) sẽ khiến trẻ mệt mỏi, cơ thể không hấp thụ được chất dinh dưỡng. Vì vậy, lưu ý một số cách phòng ngừa sau để hỗ trợ trẻ tiêu hóa tốt hơn:
- Vệ sinh tai mũi họng thường xuyên, đúng cách cho trẻ để loại bỏ các tác nhân gây hại xâm nhập đường hô hấp của trẻ sơ sinh và gây bệnh.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nên cho trẻ bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời để trẻ phát triển khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng chống lại virus, vi khuẩn có hại. Mẹ không nên cho bé bú quá nhiều, đồng thời cũng nên lưu ý dùng tư thế đúng khi cho con bú để tránh trẻ ọc sữa.
- Nên chia nhỏ bữa trong ngày để giúp trẻ tiêu hóa nhanh hơn, hạn chế nôn trớ ra ngoài. Với trẻ dưới 1 tuổi, dạ dày của bé còn nhỏ, cơ thắt tâm vị yếu nên mẹ cần lựa chọn thức ăn dễ nuốt, dễ tiêu, có độ lỏng vừa phải, tránh thực phẩm gây dị ứng và không ép thúc trẻ ăn quá nhiều.
- Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết nên các mẹ cần chú ý cho trẻ mặc trang phục thích hợp. Mặc quần áo đủ ấm, không để nhiệt độ điều hòa quá thấp, giữ ấm đường hô hấp cho trẻ khi ra ngoài vào mùa đông bằng khăn quàng cổ khẩu trang,... để tránh mắc viêm phế quản, viêm họng và gây ho. Ngoài ra, không nên cho trẻ mặc trang phục hay quấn tã quá chật vì điều này sẽ tăng áp lực tác động lên dạ dày và dễ gây nên tình trạng trào ngược thức ăn.
Cách phòng ngừa ho và nôn trớ ở trẻ sơ sinh
Ho và nôn trớ ở trẻ sơ sinh có thể là hiện tượng sinh lý bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm. Nắm được những nguyên nhân gây nên tình trạng này sẽ giúp mẹ có cách xử lý phù hợp, đảm bảo an toàn sức khỏe cho bé con nhà mình.
Hoàng Trang
Nguồn tổng hợp