Những dấu hiệu của bệnh viêm amidan và cách chăm sóc hiệu quả
Nhận biết nhanh những dấu hiệu của bệnh viêm amidan từ sớm để có những phương pháp chữa trị hiệu quả, giúp trẻ mau vượt qua bệnh tật và tránh để lại những biến chứng nguy hiểm.
Những dấu hiệu thường gặp khi trẻ mắc bệnh viêm amidan
![Những dấu hiệu của bệnh viêm amidan và cách chăm sóc hiệu quả](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhung_dau_hieu_cua_benh_viem_amidan_va_cach_cham_soc_hieu_qua_1_96fbd50085.jpg)
Viêm amidan là 1 bệnh thường gặp và có thể được chữa khỏi sau 7 ngày với người lớn và 10 ngày với trẻ nhỏ. Bệnh thường biểu hiện qua những triệu chứng ban đầu như sau:
Khoảng 3 ngày kể từ khi mắc bệnh
- Trẻ đau họng, ăn uống khó khăn và luôn có cảm giác vướng trong cổ họng
- Người mệt mỏi, chán ăn và không cảm nhận được mùi vị ngon của thức ăn
Khoảng 3-5 ngày kể từ khi amidan bị viêm nhiễm
- Amidan sưng to, chèn lên cổ họng khiến trẻ thay đổi tiếng nói, khàn và đục hơn.
- Cảm giác khô cổ họng kéo dài và lan đến những vùng xung quanh răng hàm mặt.
- Hơi thở có mùi hôi khó chịu, lúc này là do những thức ăn bị kẹt lại trong cuống họng kết hợp cùng với xác vi khuẩn tạo thành mùi hôi khi bé nói chuyện hoặc thở ra, không liên quan đến những bệnh về răng miệng.
- Mỗi khi ăn xong thường có cảm giác buồn nôn và đau bụng.
- Người uể oải, sốt cao liên tục trên 38 độ.
- Ho nhiều, mỗi lần ho cảm thấy đau rát họng dù có xuất hiện đờm ở cổ.
- Vào ban đêm trẻ thường xuyên cảm thấy ớn lạnh, khó ngủ, khi ngủ sâu thì thường ngáy to, thở khò khè.
Những biến chứng nặng hơn khi không được chữa trị đúng cách
![Những dấu hiệu của bệnh viêm amidan và cách chăm sóc hiệu quả](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhung_dau_hieu_cua_benh_viem_amidan_va_cach_cham_soc_hieu_qua_2_495b22f7f6.jpg)
- Trẻ khó thở, đôi lúc amidan sưng quá to khiến trẻ phải thở ngắt quãng bằng cả mũi lẫn miệng, kèm theo chảy diệt tiết ở họng, mũi và tai.
- Mỗi lần nhai nuốt thức ăn rất khó khăn, cơn đau âm ỉ khó chịu lan rộng khắp vùng mặt, ảnh hưởng đến các vùng xung quanh như viêm tai, viêm thanh quản, viêm mũi dị ứng.
- Những độc tố tích tụ nhiều trong những hốc nhỏ của amidan, khiến amidan bị nổi mủ trắng, nổi hạch ở cổ và nổi ban trên khắp cơ thể.
- Trẻ mệt mỏi, nhức đầu và có thể lâm vào hôn mê sâu, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, viêm cầu thận, viêm khớp cấp và viêm màng não.
Dinh dưỡng cho trẻ như thế nào để nhanh khỏi bệnh viêm amidan
Khi trẻ bị viêm amidan thường có hai phương pháp điều trị amidan chính là dùng thuốc (nội khoa) hoặc thực hiện phẫu thuật cắt bỏ amidan (ngoại khoa). Dù được điều trị với phương pháp nào thì những gì mẹ có thể làm là bổ sung cho trẻ những dinh dưỡng cần thiết giúp con mau chóng khỏi bệnh.
Những nhóm thực phẩm nên dùng
![Những dấu hiệu của bệnh viêm amidan và cách chăm sóc hiệu quả](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhung_dau_hieu_cua_benh_viem_amidan_va_cach_cham_soc_hieu_qua_3_003e8a1116.jpg)
Ăn những thức ăn được chế biến thành dạng lỏng, mềm nhuyễn và dễ nuốt
Khi trẻ bị viêm amidan thì những vùng xung quanh cổ họng sẽ bị tổn thương và viêm nhiễm, không thích hợp cho quá trình nhai nuốt. Vì vậy mẹ nên cho trẻ ăn cháo thịt xay nhuyễn, súp, cháo yến mạch, bột ngũ cốc hoặc sữa..., chúng dễ dàng đi qua cổ họng mà trẻ cũng không cần vận động mạnh cơ miệng.
Mỗi ngày mẹ nên cho trẻ uống khoảng 2 lít nước để giúp giảm cơn đau họng và giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa, nếu trẻ đau rát nhiều thì mẹ nên cho trẻ uống nước ấm.
Ăn rau xanh để bổ sung chất xơ và vitamin C
Nên bổ sung nhiều loại rau xanh vào khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ để bổ sung chất xơ và vitamin C, giúp làm mát cơ thể và giảm đau ở cổ họng, còn giúp tăng cường sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch.
Sử dụng trái cây tươi hoặc nước ép hoa quả
Những loại quả như cam, quýt, bưởi, táo, bơ hoặc nước ép trái cây tươi giúp diệt trừ các tác nhân gây hại cho hệ hô hấp và amidan, ngăn chặn quá trình phát triển của các loại vi khuẩn, virus.
Nhóm thực phẩm chứa nhiều đạm và tinh bột
Thịt, cá, trứng, sữa, ngũ cốc là những thực phẩm cung cấp dinh dưỡng hàng đầu cho trẻ, giúp trẻ có năng lượng để vận động và chống chọi lại bệnh tật. Chất đạm và tinh bột cũng giúp cơ thể trẻ tạo ra năng lượng hỗ trợ quá trình chữa viêm sưng amidan.
Những nhóm thực phẩm nên kiêng sử dụng
Không được sử dụng thức ăn lạnh: Uống nước đá, ăn kem hoặc những thực phẩm lạnh sẽ khiến cổ họng đau rát, viêm nhiễm khó lành hơn.
Không ăn những thức ăn quá cay, quá béo, quá ngọt hoặc quá nóng: Những loại thức ăn này không nên ăn vì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây áp lực lên dạ dày và hệ tiêu hóa. Nói chung thức ăn của trẻ mẹ không nên nêm nếm quá tay, nên ăn thức ăn thanh mát và ít gia vị để hỗ trợ cho quá trình hồi phục.
Hãy dặn trẻ tránh xa những thức ăn nhanh được chiên xào nhiều dầu mỡ, không sử dụng những chất kích thích như trà, cà phê…
Không ăn những thức ăn cứng hoặc quá khô: Các loại thức ăn này sẽ kích thích cổ họng, làm đau amidan hoặc làm rách các hốc tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
Trúc