Nấm miệng bao lâu thì khỏi? Triệu chứng, cách ngừa và trị bệnh

Nấm miệng hay tưa miệng là bệnh nhiễm trùng nấm men thuộc loài Candida. Bình thường loài nấm này tồn tại chủ yếu ở các bề mặt da một số nơi trong cơ thể như niêm mạc miệng, hầu họng, âm đạo… mà không gây hại cho cơ thể. Nhưng khi gặp yếu tố thuận lợi, loài nấm này phát triển vượt khỏi tầm kiểm soát gây nên bệnh nhiễm trùng nấm. Vậy nếu mắc phải bệnh nấm miệng bao lâu thì khỏi? Mời quý đọc giả theo dõi những chia sẻ sau đây từ các chuyên gia để biết câu trả lời. 

Nguyên nhân dẫn tới nhiễm nấm miệng Candida

Nấm Candida thường sống và phát triển trong môi trường ẩm ướt và có độ pH thích hợp. Chúng tồn tại một số lượng nhỏ trên da, trong đường tiêu hóa, âm đạo… của bất cứ người nào. Hệ miễn dịch cùng với các lợi khuẩn luôn kìm hãm không để cho nấm men phát triển quá mức. Khi cơ thể có hệ thống miễn dịch gặp bất thường hoặc có sự thiếu cân bằng hệ vi sinh vật, nấm Candida có thể phát triển vượt khả năng kiểm soát gây nên bệnh nhiễm trùng. Khu vực bị nhiễm trùng phổ biến thường là miệng, hầu họng và cơ quan sinh dục. 

Nấm miệng bao lâu thì khỏi? Triệu chứng, cách ngừa và trị bệnh 1 Nấm miệng là tình trạng nấm Candia tăng sinh và gây bệnh ở khoang miệng

Những người có nguy cơ cao bị nhiễm nấm miệng nếu:

  • Có tình trạng khô miệng thường xuyên do thói quen ít uống nước.
  • Mắc bệnh đái tháo đường, bệnh thiếu máu, bệnh bạch cầu cấp, bạch cầu kinh hoặc HIV/ AIDS.
  • Dùng thuốc kháng sinh, corticosteroid hoặc thuốc ức chế miễn dịch, đang trong quá trình điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn nặng.
  • Điều trị ung thư bằng hóa trị hoặc xạ trị, điều trị các thuốc theo phác đồ bệnh ung thư.
  • Hút thuốc lá nhiều, thường xuyên.
  • Người đeo răng giả.

Triệu chứng của bệnh nấm miệng

Giai đoạn đầu, bệnh nấm miệng có thể không có bất cứ triệu chứng nào. Nhưng khi tình trạng bệnh nặng hơn, người bệnh có thể có một hoặc một số các dấu hiệu và triệu chứng sau đây:

  • Xuất hiện các mảng bám màu trắng tại niêm mạc lưỡi, trần miệng, hầu họng, amidan.
  • Niêm mạc miệng đỏ, đau rát.
  • Trong miệng người bệnh có cảm giác như có vật gì đó cộm lên.
  • Khóe miệng thường có tình trạng nứt, đỏ. 
  • Nhiều người ăn không ngon hoặc nặng hơn có thể mất vị giác.
  • Khi nhai và nuốt thức ăn thường cảm thấy đau, hoặc vướng ở cổ họng, cảm giác khó nuốt. 

Đối với những trường hợp diễn tiến nặng hơn, bệnh có thể lan xuống thực quản gây cảm giác khó chịu khi ăn uống. Nấm thực quản do loài Candida là bệnh phổ biến đối với những người mắc HIV/AIDS.

Nấm miệng bao lâu thì khỏi?

Giai đoạn đầu, khi nấm còn khu trú tại khoang miệng thì nấm miệng không quá nguy hiểm nhưng có ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống nên người bệnh cần được điều trị kịp thời để tránh gây nên những biến chứng và diễn tiến xấu hơn. Người có những dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ mắc phải bệnh này cần tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị một cách tốt nhất. Thời gian kéo dài của bệnh nấm miệng phụ thuộc vào giai đoạn phát hiệu và hiệu quả điều trị:

  • Thông thường, người bệnh được điều trị bằng thuốc bôi chống nấm trong miệng sẽ khỏi bệnh sau 1 tới 2 tuần.
  • Đối với những trường hợp tổn thương kéo dài, không đáp ứng với thuốc bôi bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh chống nấm cho tới khi khỏi.
Nấm miệng bao lâu thì khỏi? Triệu chứng, cách ngừa và trị bệnh 2 Người được điều trị bằng thuốc bôi chống nấm có thể hết bệnh từ 1-2 tuần

Bên cạnh đó, không phải điều trị khỏi sẽ không nhiễm lại mà bệnh do nấm Candida ở miệng có thể tái phát nhiều lần nếu chúng ta không biết các biện pháp khắc phục triệu chứng hay phòng ngừa bệnh. Bởi vậy, với những đối tượng có nguy cơ cao như nấm ở trẻ sơ sinh, người suy giảm miễn dịch, người đang điều trị thuốc ung thư, thuốc ức chế miễn dịch thì việc nắm rõ và thực hiện các biện pháp phòng chống nấm là vô cùng quan trọng các bạn ạ.

Điều trị nấm miệng tại nhà 

Để điều trị bệnh nấm miệng và giảm nguy cơ tái nhiễm, người bệnh cần thay đổi lối sống, đặc biệt là phải vệ sinh răng miệng sau khi đã hồi phục. Dưới đây là một số biện pháp hữu ích người bệnh có thể tham khảo: 

  • Sử dụng bàn chải mềm khi đánh răng giúp tránh gây tổn thương khu vực nhiễm trùng nấm.
  • Để giảm nguy cơ tái nhiễm, người bệnh sau khi được điều trị khỏi cần thay bàn chải đánh răng và làm sạch răng giả (nếu sử dụng). 
  • Hạn chế sử dụng các loại thuốc xịt miệng và nước súc miệng khi chưa có sự kê đơn của bác sĩ.

Ngoài ra, người trưởng thành có thể giảm thiểu triệu chứng của bệnh tưa miệng bằng cách súc miệng với:

  • Nước muối. 
  • Hỗn hợp nước pha với baking soda.
  • Hỗn hợp nước pha với chanh hoặc giấm táo.

Nấm miệng bao lâu thì khỏi? Triệu chứng, cách ngừa và trị bệnh 3

Một vài loại dung dịch vệ sinh khoang miệng được khuyến cáo cho người nấm miệng

Phòng ngừa bệnh nấm miệng 

Phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh. Vì thế bên cạnh thắc mắc nấm miệng bao lâu thì khỏi, nhiều người còn vô cùng quan tâm đến cách phòng ngừa căn bệnh này.

Mặc dù bệnh tưa miệng đã có thuốc điều trị song tình trạng kháng thuốc của loài nấm này ngày càng nhiều hơn nên việc điều trị cũng ngày một khó khăn hơn. Vì thế mỗi người nên có những cách phòng ngừa bệnh để bảo vệ bản thân cũng như tránh lây lan cho người khác như:

  • Có chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với rèn luyện lối sống khỏe mạnh giúp cho hệ thống miễn dịch của cơ thể ở trạng thái tốt nhất.
  • Không sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có sự kê đơn của bác sĩ.
  • Thường xuyên vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng hai lần một ngày, dùng chỉ nha khoa và gặp nha sĩ định kỳ.
  • Trong trường hợp miệng có tình trạng khô mãn tính, hãy tới gặp bác sĩ để có phương án điều trị sớm và tốt nhất.
  • Nếu bạn sử dụng răng giả, hãy nhớ tháo chúng trước khi đi ngủ, vệ sinh chúng hàng ngày và đảm bảo luôn đeo răng giả vừa vặn.
  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Người sử dụng corticosteroid dạng hít cần súc miệng và đánh răng sau khi dùng. 
  • Thường xuyên vệ sinh răng miệng phòng ngừa bệnh nấm miệng.
Nấm miệng bao lâu thì khỏi? Triệu chứng, cách ngừa và trị bệnh 4 Vấn đề vệ sinh miệng sạch sẽ đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa nấm miệng

Ngoài ra, trong trường hợp bị nhiễm trùng nấm Candida tại những vị trí khác, người bệnh cần tới các cơ sở y tế để điều trị sớm nhất phòng ngừa chúng lây lan ra các khu vực lân cận.

Với bài viết trên đây, Nhà Thuốc Hà An hi vọng đã mang lại những thông tin cơ bản về bệnh nấm miệng và giải thích được câu hỏi "Nấm miệng bao lâu thì khỏi?" tới quý bạn đọc. Nhà Thuốc Hà An kính chúc quý bạn đọc thật nhiều sức khỏe!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo