Nằm lòng 5 cách khôi phục nhịp sinh học cho cơ thể
Nhịp sinh học có liên quan tới những phản ứng sinh lý, sinh hóa và trao đổi chất với chu kỳ 24 giờ trong cơ thể. Mỗi người có thể dễ dàng nhận thấy sự hiện diện rõ rệt của nó trong thời gian ăn uống và chu kỳ ngủ. Các chuyên gia cho rằng nhịp sinh học này dù có thể tự duy trì nhưng cũng dễ thay đổi do tác động của nhiều yếu tố bên ngoài như là ánh sáng, nhiệt độ, thói quen trong sinh hoạt….
Rối loạn nhịp sinh học có thể dẫn tới rất nhiều tổn hại sức khỏe. Chẳng hạn như người thường làm ca đêm dễ bị suy giảm chức năng miễn dịch, phát sinh những loại bệnh mạn tính hay thậm chí là ung thư. Nguyên nhân chính đó là thiếu ngủ làm mất cân bằng nội môi cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình điều hòa hormone. Vậy chúng ta có cách nào để khôi phục được nó không?
![Nằm lòng 5 cách khôi phục nhịp sinh học cho cơ thể 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nam_long_5_cach_khoi_phuc_nhip_sinh_hoc_cho_co_the1_e851f699e4.jpeg)
Tập không sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ
Tiếp xúc ánh sáng, nhất là ánh sáng xanh từ màn hình điện tử phần nào dễ tác động tiêu cực tới quá trình sản xuất melatonin và ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ. Do đó các chuyên gia luôn khuyến cáo chúng ta nên tránh sử dụng máy tính hay smartphone ít nhất là 1 tiếng trước khi đi ngủ.
Tạo không gian thoải mái trong phòng ngủ
Môi trường (nhiệt độ, độ ẩm…) trong phòng ngủ cũng có khả năng ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Thế nên chúng ta không thể bỏ qua những bước sau đây để khôi phục nhịp sinh học cho chu kỳ ngủ:
- Cân bằng nhiệt độ và độ ẩm trong phòng.
- Dùng đèn ngủ có cường độ ánh sáng thấp.
- Không mang công việc tới phòng ngủ. Nếu có thói quen làm việc tại nhà thì hãy làm tại phòng khác.
![Nằm lòng 5 cách khôi phục nhịp sinh học cho cơ thể 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nam_long_5_cach_khoi_phuc_nhip_sinh_hoc_cho_co_the2_42b9483a4d.jpg)
Lưu ý chế độ dinh dưỡng
Sử dụng các loại thức uống chứa chất kích thích như cồn hoặc caffeine cũng có khả năng làm rối loạn nhịp sinh học về đêm. Trà cùng cà phê là lựa chọn lý tưởng để tập trung và tỉnh táo hơn vào ban ngày. Tuy nhiên khi dùng từ 3 giờ chiều trở đi bạn sẽ có nguy cơ khó ngủ rất cao vì thời gian tối thiểu để caffeine phân giải được là 6 tiếng.
Bên cạnh đó khẩu phần và thời gian ăn cũng ảnh hưởng tới giấc ngủ. Do đó hãy chú ý bổ sung đủ dưỡng chất thiết yếu và tập thói quen không ăn quá nhiều vào buổi tốt, nhất là trước khi lên giường. Nếu hay khó ngủ bạn có thể thử ăn một bữa nhẹ với nhóm thực phẩm chứa nhiều carbohydrate trước lúc ngủ.
Tập thể dục điều độ
Việc tập thể dục với cường độ vừa phải sẽ giúp chúng ta dễ ngủ hơn. Tuy nhiên nếu vận động quá mức thì sẽ có nguy cơ phản tác dụng. Nếu mục tiêu của bạn là để khôi phục nhịp sinh học và cải thiện sức khỏe, tăng tuổi thọ thì hãy cân nhắc cường độ và thời gian tập cho phù hợp. Hãy nhờ các chuyên gia thể hình tư vấn chi tiết hơn nhé.
![Nằm lòng 5 cách khôi phục nhịp sinh học cho cơ thể 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nam_long_5_cach_khoi_phuc_nhip_sinh_hoc_cho_co_the3_c0ae91d602.jpg)
Đừng quên thói quen ăn sáng
Giới trẻ ngày nay thường có xu hướng bỏ bữa sáng vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên điều này lại gây ảnh hưởng sức khỏe và cả quá trình khôi phục nhịp sinh học. Các chuyên gia đã đưa ra lý giải rằng nếu cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể buổi sáng thì sẽ đáp ứng quá trình sản sinh hormone ghrelin tạo cảm giác đói. Bên cạnh đó nó còn tạo điều kiện giải phóng một số hormone và dopamine làm tăng năng lượng và sự tập trung.
Dù với một số người việc khôi phục nhịp sinh học có thể bất khả thi. Nhưng nếu thành công thì bạn sẽ nhận thấy được sức khỏe của mình cải thiện rõ rệt như thế nào.
Thụy Anh