Mách mẹ làm thế nào để xử lý khi trẻ bị viêm họng

Xử lý khi trẻ bị viêm họng làm sao cho đúng đắn và không bị biến chứng là nỗi băn khoăn của hầu hết các bậc cha mẹ mỗi lúc con bị bệnh.

Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên rất dễ mắc phải các căn bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là viêm họng. Thông thường trẻ chỉ viêm họng và sốt nhẹ trong vài ngày là tự khỏi. Nhưng có những trường hợp nặng hơn, viêm họng ở trẻ có thể biến chứng thành viêm phế quản, viêm phổi nguy hiểm. Vì vậy, mẹ cần biết xử lý khi trẻ bị viêm họng.

1. Dấu hiệu viêm họng ở trẻ em

Thời tiết lạnh và giao mùa là thời điểm thuận lợi cho các virus, vi khuẩn phát triển, gây nên bệnh viêm họng ở trẻ em. Bệnh thường khởi phát một cách đột ngột với những triệu chứng như sốt cao 39 – 40 độ C, nuốt đau, rát họng, khàn tiếng, sụt sịt, chảy nước mũi, tắc mũi, khàn giọng, ho khan…

Một vài những biểu hiện khác là hạch vùng cổ, hạch góc hàm bị viêm tấy, sưng đau, khiến trẻ có cảm giác đau nhói họng khi nuốt và có thể lan lên tai.

Viêm họng cấp ở trẻ em thường chỉ diễn biến trong 3 – 4 ngày, rồi bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng sốt, đau rát họng cũng mất đi rất nhanh.

Mách mẹ làm thế nào để xử lý khi trẻ bị viêm họng 1
Sốt, nuốt đau, rát cổ họng...là những biểu hiện cho thấy trẻ bị viêm họng

2. Biến chứng của bệnh viêm họng ở trẻ em

Bé bị viêm họng nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng bao gồm: viêm tai, mũi, phế quản. Nguy hiểm hơn, viêm họng có thể gây ra bệnh thấp tim. Nguyên nhân là do liên cầu khuẩn gây viêm họng kích thích cơ thể sản xuất ra các kháng thể gây ảnh hưởng đến tim, khớp, thần kinh và gây nên các triệu chứng bệnh thấp tim: sốt, đau họng, ho, sưng, nóng các khớp, đặc biệt là sưng khớp gối, khớp khuỷu và chạy từ khớp này sang khớp khác.

Mách mẹ làm thế nào để xử lý khi trẻ bị viêm họng 2
Viêm họng ở trẻ em nếu không được chữa trị dễ gây biến chứng nguy hiểm

3. Cách xử lý khi trẻ bị viêm họng

Khi trẻ bị viêm họng cấp, mẹ cần lên kế hoạch cho trẻ nghỉ ngơi một cách hợp lý, bố trí phòng ngủ thoáng khí, có đủ độ ẩm cần thiết trong khoảng 28 độ C.

Chú ý giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là ở các bộ phận cổ, ngực, gan bàn chân. Tránh đưa trẻ đến những chỗ gió lùa, nơi đông người, môi trường bị ô nhiễm và đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường để tránh khói bụi.

Đối với trẻ sơ sinh bị viêm họng, mẹ càng cần phải cho bé bú nhiều sữa hơn, vì trong lúc viêm họng bé thường bú kém và khó chịu khi bú. Đối với các bé đã ăn dặm thì cần nghiền nhỏ thức ăn hơn, cháo nấu loãng hơn để bé tiêu hóa được dễ dàng.

Tăng cường bổ sung vitamin C bằng cách cho trẻ ăn các hoa quả như cam, quýt, bưởi hoặc viên uống, nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể của bé.

Nếu nhận thấy các dấu hiệu bệnh viêm họng trở nên nặng hơn, lâu khỏi, sốt cao trên 38 độ C thì mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám, chỉ định điều trị. Cho trẻ uống thuốc đủ liều, đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc áp dụng các bài thuốc dân gian chưa được khoa học kiểm chứng, bác sĩ công nhận để điều trị cho trẻ.

Ngoài ra, hàng ngày mẹ cho trẻ súc miệng, súc họng thường xuyên bằng nước muối ấm loãng để bệnh mong chóng được đẩy lùi.

Mách mẹ làm thế nào để xử lý khi trẻ bị viêm họng 3
Khi trẻ bị viêm họng, mẹ nên cho bé súc miệng bằng nước muối thường xuyên

Hường



Chat with Zalo