Dị ứng thuốc Utrogestan và những điều cần biết
Thuốc utrogestan là loại thuốc chứa progesterone, một loại hormone nội tiết tố có tác dụng điều trị trong các bệnh lý phụ khoa như những rối loạn liên quan đến thiếu hụt progesteron, mãn kinh, hiếm muộn. Ngoài ra, thuốc utrogestan còn dùng trong sản khoa như các trường hợp dọa sảy thai hoặc dự phòng sảy thai, dọa sinh non vô sinh nguyên phát hay thứ phát do suy một phần hay hoàn toàn hoàng thể.
Trên thị trường thuốc utrogestan được bào chế ở dạng viên nang dùng để uống hoặc đặt âm đạo.
Cách sử dụng và lưu ý khi dùng
Thuốc utrogestan là thuốc kê đơn, cần uống thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
Cách dùng thuốc
Thuốc có thể dùng bằng đường uống, khi uống người bệnh nên nuốt trọn viên thuốc với một ít nước, không được dùng thuốc kèm thức ăn, nên uống thuốc xa bữa ăn. Nên dùng thuốc Utrogestan trước khi đi ngủ để có thể ngủ ngon hơn, tránh tình trạng ngủ gục hoặc thiếu tỉnh táo khi làm việc vào ban ngày.
Ngoài đường uống, utrogestan có thể được sử dụng để đặt âm đạo.
- Đường uống: Liều trung bình từ 200 đến 300 mg progesteron mỗi ngày chia làm 1 đến 2 lần, nghĩa là dùng 200 mg vào buổi tối trước khi đi ngủ và 100 mg vào buổi sáng nếu cần.
- Đường âm đạo: Liều trung bình là 200 mg progesteron mỗi ngày (1 viên 200 mg hoặc 2 viên 100 mg chia làm 2 lần, 1 viên vào buổi sáng và 1 viên vào buổi tối), đặt sâu vào trong âm đạo. Liều này có thể tăng tùy theo đáp ứng của từng bệnh nhân.
Khi tăng dần đến liều cao hơn, thuốc dùng đường âm đạo có thể cho nồng độ progesteron trong máu tương đương với nồng độ được mô tả trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Trong khi điều trị khả năng sinh sản, chỉ nên sử dụng Utrogestan trong ba tháng đầu của thai kỳ, trừ khi bác sĩ có khuyến cáo khác.
Để phòng ngừa sinh non Utrogestan có thể được kê đơn bởi Bác sĩ trong tam cá nguyệt thứ hai (16-24 tuần tuổi thai) và nên được tiếp tục đến cuối tuần thứ 36 của thai kỳ hoặc cho đến khi sinh.
Chu kỳ kinh nguyệt có thể ngắn hoặc bị chảy máu nếu bắt đầu điều trị quá sớm, đặc biệt là trước ngày 15 của chu kỳ.
Lưu ý khi dùng utrogestan và các thuốc khác
Khi dùng kết hợp với các thuốc khác với utrogestan, điều này có thể làm ảnh hưởng chuyển hóa của progesteron và có thể làm thay đổi hiệu quả của thuốc như các thuốc sau:
- Thuốc gây cảm ứng men mạnh như barbiturate, thuốc chống động kinh (phenyltoin), rifampicin, phenylbutazon, spironolacton và griseofulvin: Những thuốc này làm tăng chuyển hóa ở gan.
- Một số kháng sinh (ampicillin, tetracyclin): Thay đổi hệ vi sinh vật ở ruột, dẫn đến thay đổi chu trình gan ruột của các steroid.
Vì những tương tác trên có thể khác nhau tùy theo từng cá nhân nên các kết quả lâm sàng không thể dự đoán được.
Utrogestan có dạng viên nang mềm không nên dùng cùng lúc với các chế phẩm đặt âm đạo khác.
Triệu chứng dị ứng utrogestan
Utrogestan có thể được kê đơn cho hầu hết phụ nữ có mức progesterone thấp, nhưng việc sử dụng có thể có tác dụng không mong muốn ở một số ít phụ nữ.
Các tác dụng không mong muốn khi sử dụng utrogestan bao gồm: thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, mất kinh, chảy máu giữa chu kỳ kinh hoặc trên thần kinh như nhức đầu. Ít gặp hơn là các triệu chứng như buồn ngủ, chóng mặt thoáng qua.
Các triệu chứng khác cũng có thể gặp phải bao gồm: Bỏng rát, ngứa cục bộ, rối loạn dịch tiết âm đạo. Đây là những tác dụng không mong muốn đã biết của thuốc. Các báo cáo cho thấy tỷ lệ mắc các tác dụng phụ tại chỗ là rất thấp.
Tác dụng không mong muốn toàn thân thường là mệt mỏi và chóng mặt rất hiếm gặp khi sử dụng dạng uống ở liều lượng khuyến cáo sử dụng cho đường âm đạo.
Các tác dụng phụ khác không được liệt kê ở trên cũng có thể xảy ra ở một số bệnh nhân.
Các triệu chứng của phản ứng dị ứng thường hiếm khi xảy ra, có thể bao gồm phát ban da, ngứa hoặc phát ban, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Có thể kèm theo các triệu chứng như thở gấp, thở khò khè hoặc khó thở. Đây là những tác dụng phụ rất nghiêm trọng.
Làm gì nếu bị dị ứng utrogestan?
Khi bệnh nhân sử dụng thuốc utrogestan mà có biểu hiện của dị ứng với utrogestan, bệnh nhân cần ngừng thuốc ngay và báo lại bác sĩ/ dược sĩ để có sự tư vấn cụ thể.
Khi xuất hiện các tác dụng không mong muốn với thuốc utrogestan với các triệu chứng phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Cần ngay lập tức thông tin đến bác sĩ điều trị hoặc nhập viện để được chăm sóc.
Lời khuyên cho bệnh nhân có sử dụng utrogestan
Lưu ý không được dùng Utrogestan nếu đã từng bị dị ứng với:
- Bất kỳ loại thuốc nào có chứa progesterone.
- Dị ứng với đậu nành hoặc các sản phẩm từ đậu nành.
- Chảy máu âm đạo bất thường mà chưa được bác sĩ đánh giá.
- Đã từng phá thai hoặc mang thai ngoài tử cung.
- Các vấn đề về gan nặng.
- Đã biết hoặc bị nghi ngờ ung thư vú hoặc liên quan đến bộ phận sinh dục.
Trong các điều kiện được khuyên dùng, việc điều trị với utrogestan không được xem là ngừa thai.
Trong trường hợp chảy máu tử cung, Utrogestan không được dùng cho đến khi xác định được nguyên nhân, như bằng cách khám nội mạc tử cung.
Không dùng Utrogestan nếu đã từng bị dị ứng với đậu nành hoặc các sản phẩm từ đậu nành
Do không thể loại trừ hoàn toàn các nguy cơ huyết khối tắc mạch và chuyển hóa nên ngưng điều trị trong các trường hợp sau:
- Rối loạn mắt như mất thị lực, nhìn đôi, tổn thương mạch máu võng mạc.
- Thuyên tắc tĩnh mạch hoặc huyết khối tắc mạch, bất kể vị trí nào.
- Đau đầu nặng.
Nên theo dõi và kiểm tra qua các xét nghiệm cận lâm sàng chặt chẽ ở bệnh nhân có tiền sử viêm tĩnh mạch huyết khối.
Trong trường hợp bị vô kinh đột ngột, phải chắc chắn không có mang thai.
Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ tất cả các thuốc đang sử dụng, tình trạng bệnh ý hiện tại (nếu có), tiền sử dị ứng của cá nhân trước đó (bao gồm tất cả các trường hợp dị ứng thức ăn, đồ uống, mỹ phẩm…).
Dị ứng utrogestan có thể là những phảu ứng dị ứng nhẹ, tuy nhiên cũng có thể là dị ứng nặng có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị và gia tăng nguy cơ nhập viện. Bệnh nhân cần phải tự theo dõi trong quá trình dùng thuốc và báo bác sĩ hoặc dược sĩ càng sớm càng tốt.
Ds.Phạm Hồng Thắm
Nguồn tham khảo: Tổng hợp