Dị ứng thuốc Hapacol và những điều cần lưu ý
Thuốc Hapacol là sản phẩm được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, thuốc có được chất chính là Paracetamol, ngoài ra có thể được phối hợp chung với một số hoạt chất khác như Ibuprofen, caffein… Thuốc được có tác dụng giảm đau, hạ sốt, trong các trường hợp do đau đầu, đau răng, đau nhức do cảm cúm, đau họng, đau nhức cơ xương, đau do viêm khớp, đau sau khi tiêm ngừa hay nhổ răng hoặc điều trị hạ sốt ở bệnh nhân bị cảm hay những bệnh có liên quan đến sốt…
Những điều cần biết về thuốc Hapacol
Hapacol với thành phần chính là paracetamol, có tác động lên trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi gây hạ nhiệt, tăng tỏa nhiệt do giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên làm giảm thân nhiệt ở người bị sốt, nhưng hiếm khi làm giảm thân nhiệt bình thường. Ở liều điều trị, hiệu quả giảm đau, hạ sốt tương đương aspirin nhưng paracetamol ít tác động đến hệ tim mạch và hệ hô hấp, không làm thay đổi cân bằng acid - base, không gây kích ứng, xước hoặc chảy máu dạ dày.
Liều lượng và cách dùng thuốc Hapacol
Thuốc Hapacol được sử dụng bằng đường uống với dạng viên nén nhiều hàm lượng hoặc dạng gói bột pha dung dịch uống. Thông thường cách mỗi 6 giờ uống một lần.
Tùy vào mỗi dạng bào chế với hàm lượng khác nhau, liều dùng hapacol có thể được khuyến cáo như sau:
- Liều thông thường cho người lớn và trẻ trên 12 tuổi: Uống 1 - 4 lần/ngày, mỗi lần uống 1 hoặc 2 viên. Không dùng quá 8 viên/ngày.
- Khoảng cách tối thiểu giữa 2 lần uống là 4 giờ hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Khoảng cách giữa 2 lần uống phải hơn 4 giờ và không uống quá 8 viên/ngày.
- Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Uống 1 viên/ lần.
- Đối với đau nhiều: Có thể uống 2 viên/lần hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Hapacol 150mg: Dùng cho trẻ em
Cách mỗi 6 giờ, uống một lần. Liều dùng trung bình từ 10 - 15mg/kg thể trọng/lần. Tổng liều tối đa không quá 60mg/kg thể trọng/24 giờ, không quá 5 lần/ngày.
Lưu ý không nên kéo dài việc tự sử dụng thuốc mà cần có ý kiến bác sĩ khi:
- Có triệu chứng mới xuất hiện.
- Sốt cao (39,5°C) và kéo dài hơn 3 ngày hoặc tái phát.
- Đau nhiều và kéo dài hơn 5 ngày.
Dị ứng thuốc Hapacol
Triệu chứng dị ứng
Thuốc Hapacol, hay chứa paracetamol là một loại thuốc giảm đau được sử dụng rộng rãi, rất hiếm khi xảy ra phản ứng quá mẫn. Các phản ứng dị ứng với paracetamol có thể do tác dụng dược lý của sự ức chế cyclooxygenase - 1 hoặc hiếm hơn có thể là do dị ứng chọn lọc với paracetamol.
Dị ứng với thuốc hapacol, hay với thành phần paracetamol hiếm gặp trên lâm sàng (tỷ lệ < 1/1000), với biểu hiện của phản ứng quá mẫn toàn thân bao gồm ngứa, nổi mề đay, ban da… Trong một số nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân có dị ứng paracetamol cho thấy, biểu hiện dị ứng bên ngoài trên da là biểu hiện phổ biến nhất, gặp ở 94% bệnh nhân, khó thở chiếm 47%, và sốc phản vệ với hạ huyết áp ít gặp hơn, xảy ra ở 12% bệnh nhân.
Đặc biệt, trong trường hợp bệnh nhân có tiền căn dị ứng paracetamol hoặc tiền sử sốc phản vệ có nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu của phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng Stevens - Johnson (SJS), hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN) hay hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP).
Dị ứng nổi mề đay
Một số nghiên cứu đánh giá và phân tích các trường hợp dị ứng do paracetamol trên trẻ em cho thấy chỉ có 10% trẻ em nghi ngờ dị ứng paracetamol có quá mẫn thực sự sau khi uống thử; Tuy nhiên, đánh giá này không phân biệt giữa phản ứng tức thời và phản ứng chậm.
Ngoài ra, quá liều paracetamol có thể xảy ra do dùng một liều độc duy nhất hoặc do uống lặp lại liều lớn paracetamol (7,5 - 10g mỗi ngày, trong 1 - 2 ngày) hoặc do uống thuốc dài ngày. Hoại tử gan phụ thuộc liều là tác dụng độc cấp tính nghiêm trọng nhất do quá liều và có thể gây tử vong. Biểu hiện của quá liều paracetamol bao gồm nuồn nôn, nôn, đau bụng, triệu chứng xanh tím da, niêm mạc và móng tay.
Biểu hiện của ngộ độc nặng paracetamol: Ban đầu kích thích nhẹ, kích động và mê sảng. Tiếp theo là ức chế hệ thần kinh trung ương: Sững sờ, hạ thân nhiệt, mệt lả, thở nhanh và nông; mạch nhanh, yếu, không đều, huyết áp thấp và suy tuần hoàn.
Nguyên nhân
Các phản ứng dị ứng với paracetamol có thể bao gồm các phản ứng quá mẫn loại I (tức thì) như phù mạch, nổi mày đay và sốc phản vệ, có khả năng được xử trí bằng immunoglobulin E (IgE), đến các phản ứng loại IV (chậm) như hội chứng Stevens – Johnson và biểu bì nhiễm độc hoại tử, có khả năng là do tế bào T qua trung gian.
Cơ chế của dị ứng paracetamol tức thời có chọn lọc vẫn chưa được biết nhưng được cho là qua trung gian IgE. Mặc dù vậy, các xét nghiệm in vivo và in vitro đối với dị ứng paracetamol qua trung gian IgE cho đến nay vẫn chưa đủ bằng chứng để xác định dị ứng do thuốc chứa paracetamol, hiện tại biện pháp duy nhất để xác nhận dị ứng do paracetamol là giám sát trực tiếp khi người bệnh có sử dụng paracetamol.
Cách xử trí
Mặc dù dị ứng paracetamol hiếm gặp, điều quan trọng là bác sĩ điều trị phải nhận biết được đâu là nguyên nhân tiềm ẩn của các phản ứng quá mẫn tức thì, đặc biệt trong các trường hợp phản vệ vô căn. Trong trường hợp có nghi ngờ bệnh nhân dị ứng với thuốc chứa paracetamol hoặc thuốc Hapacol cần giới thiệu đến bác sĩ miễn dịch để thực hiện các xét nghiệm để giám sát và chẩn đoán xác định.
Tỷ lệ có khả năng bị dị ứng paracetamol qua trung gian IgE chưa được biết nhưng được cho là thấp. Biểu hiện lâm sàng của những phản ứng này có thể không phân biệt được với phản ứng thứ phát sau sự ức chế COX - 1, nhưng điều quan trọng là phải phân biệt giữa hai cơ chế này vì những người có khả năng bị dị ứng paracetamol qua trung gian IgE sẽ có thể dung nạp được các thuốc nhóm NSAID, bao gồm cả aspirin. Tuy nhiên, vì dị ứng paracetamol thường là hiếm gặp, do đó có sự chậm trễ trong chẩn đoán để có thể xử trí sớm.
Lưu ý khi sử dụng Hapacol
Người bệnh cần thông báo cho Bác sĩ các thông tin về tiền sử quá mẫn, dị ứng của bản thân như: Dị ứng thức ăn, đồ uống, mỹ phẩm… hoặc các thuốc đã từng sử dụng trước đây.
Thông báo cho Bác sĩ về tình trạng bệnh hiện tại như các bệnh mạn tính đang điều trị và các thuốc đang sử dụng, tình trạng chức năng gan và thận (nếu có).
Đối với một số người quá mẫn (bệnh hen) nên tránh dùng Paracetamol với thuốc hoặc thực phẩm có chứa sulfit.
Không dùng với các thuốc khác có chứa paracetamol.
Trong trường hợp dùng quá liều hapacol: Cần chẩn đoán sớm. Khi nhiễm độc Paracetamol nặng, cần điều trị hỗ trợ tích cực. Cần rửa dạ dày trong mọi trường hợp, tốt nhất trong vòng 4 giờ sau khi uống. Liệu pháp giải độc chính là dùng những hợp chất Sulfohydryl. N - acetylcystein có tác dụng khi uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Ngoài ra, có thể dùng Methionin, than hoạt và/ hoặc thuốc tẩy muối.
Ds Hồng Thắm
Nguồn tham khảo: Tổng hợp