Chuyên gia chống dịch hàng đầu Trung Quốc dự đoán những gì về COVID-19? (Phần đầu)
Giáo sư Chung là học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và là chuyên gia về hô hấp, đồng thời ông còn là thành viên cao cấp của ban Phòng chống dịch Quốc gia Trung Quốc. Dưới đây chính là 12 ý kiến của giáo sư về tình hình dịch COVID-19 và nhiều vấn đề liên quan nhằm giúp bạn đọc sáng tỏ nhiều điều trong bối cảnh mới.
1. Chưa đến lúc được bỏ khẩu trang khi ra ngoài
Hiện tại không phải thời điểm thích hợp để chúng ta dừng đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Bởi tình hình trong và ngoài nước vô cùng khác biệt. Hiện Trung Quốc đã bước vào giai đoạn thứ hai do nhiều biện pháp quyết liệt của chính phủ, trong khi đó thì một số nước lớn khác vẫn đang còn loay hoay trong giai đoạn đầu dịch bùng phát và còn trong đà tăng lên.
Điều đó có nghĩa là xác suất lây nhiễm từ người sang người hiện còn rất cao và số trường hợp ghi nhận cũng tăng nhanh. Việc đeo khẩu trang chính là phương tiện bảo vệ bản thân quan trọng. Hiện cũng còn quá sớm để chúng ta đề xuất ý kiến không cần đeo chúng khi đi ra ngoài nữa. Tuy nhiên, với những khu vực dịch bệnh không quá nghiêm trọng, ít người sống hoặc trống không với không gian mở tự nhiên thì bạn không nhất thiết phải đeo.
2. Dù đã vượt qua một cửa ải để mở cửa nhưng Vũ Hán vẫn còn cửa ải tiếp theo
Ông cho hay khi Vũ Hán được dỡ lệnh phong tỏa ông đã rất hạnh phúc. Khi dịch mới bùng phát, chính phủ đã có được những hành động quyết đoán ngay để kiểm soát tình hình cũng như giao thông đô thị ở thành phố này. Đồng thời nó cũng rất thành công khi áp dụng biện pháp phòng ngừa và kiểm soát ở một loạt các nơi khác. Xét về mặt lịch sử chống dịch thì đây cũng là một kỳ tích lớn.
Tuy nhiên hiện tại chúng ta vẫn còn hai việc quan trọng nữa. Đầu tiên là làm sao để kiểm soát và khống chế được dịch khi mà mọi người đi làm trở lại. Thứ hai là phải làm sao để ngăn chặn được dịch bệnh xâm nhập từ ngoài vào.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang ở đỉnh bùng phát. Một số thành phố ven biển của Trung Quốc có quan hệ giao thương chặt chẽ với nước ngoài rất dễ bị dịch COVID-19 xâm nhập. Đồng thời một số ổ dịch mới cũng có nguy cơ xuất hiện. Do đó chúng ta vẫn phải thông qua các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát khác nhau.
3. Nguy cơ nguồn dịch nước ngoài du nhập làm bùng phát lần thứ hai là rất nhỏ
Nhiều người thắc mắc về nguy cơ người về từ nước ngoài có thể mang mầm bệnh, liệu có khả năng lan truyền trong cộng đồng và gây đợt bùng phát thứ hai tại Trung Quốc không? Ông Chung cho rằng thực sự đây là hai vấn đề, một là liệu có trường hợp về nước làm lây lan không, hai là có thể bùng phát thành dịch khi lan truyền không.
Nguy cơ nhiễm bệnh từ các bệnh nhân “nhập khẩu” này vẫn luôn có, nhất là trong trường hợp đã xét nghiệm dương tính hoặc có triệu chứng COVID-19 xuất hiện. Còn với nguy cơ gây nên ổ dịch thì ông dự tính là nguy cơ tương đối nhỏ. Bởi hiện nay việc phòng ngừa và kiểm soát đang được tuyên truyền sâu sát trong cộng đồng và mọi người cũng có ý thức chấp hành. Nếu nghi ngờ họ sẽ báo cáo nhanh chóng và chẩn đoán, cách ly cô lập.
4. Còn quá sớm để nói đến đỉnh dịch COVID-19
Dựa vào góc độ toàn cầu thì hiện tại tâm chấn ban đầu của dịch là tại châu Âu, nhất là Ý, Tây Ban Nha và giờ là bao gồm cả Đức, Pháp, và Anh. Hiện vấn đề lớn nhất chính là Hoa Kỳ, nước đang có số ca tăng nhanh mỗi ngày. Thế nên vẫn còn quá sớm để chúng ta đánh giá dịch bệnh đã đi đến bước ngoặt hay chưa.
Vào lúc này, chuyện đó còn phụ thuộc vào chính phủ có thể can thiệp mạnh mẽ hay không. Ngoài ra còn có cả những yếu tố không thể đoán trước được ở các quốc gia khác, cho nên ông cũng khó mà dự đoán đỉnh dịch toàn cầu so với đỉnh dịch ở Trung Quốc. Khi mà tình trạng này vẫn tiếp diễn thì viện sĩ sợ rằng sẽ mất thêm 2 tuần nữa.
5. Tỷ lệ người nhiễm bệnh không có triệu chứng sẽ không quá lớn ở Trung Quốc
Người nhiễm SARS-CoV-2 mà không có triệu chứng không diễn ra tự nhiên mà thường xuất hiện trong 2 nhóm. Một là ở vùng có tình hình dịch bệnh tương đối nặng nhưng không có triệu chứng bên ngoài dù họ có thể đã mắc phải. Hai là người có tiếp xúc gần với các ca đã xác định dương tính. Số lượng kể trên có tỷ lệ cũng tương đối ít.
Hiện cũng có 2 khái niệm về người nhiễm virus mà không có triệu chứng. Một là ban đầu họ không có triệu chứng nhưng sau mới dần phát triển thành triệu chứng. Nhóm này chắc chắn sẽ có khả năng lây nhiễm cho người khác.
Còn loại thứ hai là nhóm mới được phát hiện gần đây. Họ không có triệu chứng trong thời gian dài quan sát, nhưng xét nghiệm với acid nucleic lại ra dương tính. Ông cho biết hiện Học viện Kỹ thuật Trung Quốc đang tiếp tục nghiên cứu về nguy cơ lây bệnh của nhóm này. Tuy nhiên theo đặc điểm của virus SARS-CoV-2 thì một khi có triệu chứng xuất hiện thì khả năng lây bệnh sẽ tương đối cao, và do đó chuyện cách ly nhóm người này để theo dõi là hoàn toàn đúng đắn.
6. Nhóm người “tái dương tính” hầu hết không lây nhiễm
Đa phần trường hợp “tái dương tính” diễn ra là các mảnh acid nucleic chứ không phải bản thân virus. Chúng ta cần chú ý đến 2 yếu tố là bệnh nhân có phải tái phát không, giả sử trong cơ thể họ sinh ra kháng thể mạnh thì thường không thể tái nhiễm. Chuyện bệnh nhân dương tính lại có khả năng lây bệnh hay không thì còn cần phân tích cụ thể. Thường thì các mảnh acid nucleic sẽ không có tính lây nhiễm. Một số nhà khoa học đã nuôi cấy dịch tiết học của người tái dương tính nhưng không nuôi ra được virus.
Trong trường hợp khá hiếm hoi thứ hai thì bản thân người bệnh ban đầu đã có nhiều bệnh nền, có điều các triệu chứng đã được cải thiện nhưng vẫn chưa lành hẳn. Các bệnh nhân này không loại trừ được nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Tóm lại, ông không quá lo lắng về chuyện bệnh nhân dương tính lại có khả năng lây cho người khác không.
Thụy Anh