Chữa đau khớp gối theo y học cổ truyền an toàn, ít tác dụng phụ
Đau khớp gối do chấn thương hay các bệnh lý có liên quan như viêm khớp, thoái hóa khớp gối đều khiến người bệnh bị hạn chế trong sinh hoạt và vận động. Trong đó, thoái hóa khớp gối là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại của sụn lẫn xương dưới sụn. Có nhiều yếu tố đưa đến sự mất cân bằng này, bao gồm yếu tố di truyền, phát triển, chuyển hóa và chấn thương.
Vì sao khớp gối dễ tổn thương?
Trong hệ thống khớp của cơ thể thì khớp gối là khớp quan trọng, đảm nhận vai trò gánh toàn bộ cơ thể. Bên cạnh đó, khớp gối còn là khớp phải chịu vận động nhiều nhất nên rất dễ thoái hóa cũng như dễ bị tổn thương.
Một khi khớp gối bị tổn thương, nghĩa là các bộ phận liên quan đều đang gặp phải vấn đề, bao gồm tổn thương sụn là chủ yếu, kèm theo tổn thương xương dưới sụn, dây chằng, các cơ cạnh khớp và màng hoạt dịch. Tình trạng đau khớp gối sẽ làm giảm chức năng vận động, gây đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, khi khởi phát triệu chứng đau khớp gối, bệnh nhân cần chú ý theo dõi để thăm khám và điều trị kịp thời, ngăn ngừa quá trình thoái hóa thêm cũng như hạn chế biến chứng nặng xảy ra.
Dấu hiệu cho thấy một người đang gặp vấn đề về khớp gối chính là đau vùng khớp gối, thường đau ở mặt trước hoặc trong khớp. Cơn đau có thể tăng lên khi bệnh nhân vận động, đặc biệt những lúc lên xuống cầu thang, đau khi đứng lên ngồi xuống khi ngồi xổm, sáng ngủ dậy bị co cứng khớp, nhiều trường hợp khớp gối phát ra âm thanh lạo xạo khi vận động... Một số trường hợp thoái hóa gây viêm khớp gối dẫn đến sưng, nóng, đỏ, đau nhức khớp gối. Chưa kể, nếu bị thoái hóa khớp gối nặng sẽ ảnh hưởng đến vận động của chi dưới, lâu ngày dẫn đến hiện tượng biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp.
Điều trị đau khớp gối theo y học cổ truyền như thế nào?
Việc điều trị đau khớp gối có thể áp dụng theo nhiều phương pháp, tùy theo nguyên nhân, tình trạng, mức độ bệnh. Bệnh nhân có thể áp dụng điều trị theo y học hiện đại, cũng có thể điều trị đau khớp gối theo y học cổ truyền nếu lo ngại các tác dụng phụ có thể xảy ra cho sức khỏe.
Với y học hiện đại, điều trị đau khớp gối sẽ theo hướng sử dụng các nhóm thuốc giảm đau, giảm viêm kết hợp với các phương pháp vật lý trị liệu. Với phương pháp này, tuy sẽ giải quyết được phần nào triệu chứng nhưng các triệu chứng bệnh dễ tái phát. Chưa kể, nếu sử dụng thuốc không hợp lý lại gây không ít tác dụng phụ như viêm dạ dày, loãng xương, gây ảnh hưởng chức năng gan, thận... Do đó, hiện nay nhiều bệnh nhân có xu hướng tiến hành điều trị đau khớp gối theo y học cổ truyền, hoặc có thể áp dụng phương pháp đông tây y kết hợp. Việc phối hợp này vừa tránh được tác dụng không mong muốn do dùng thuốc, lại nâng cao chất lượng điều trị.
Đau khớp gối theo y học cổ truyền với các phương pháp xông hơi, ngâm chân, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt đã chứng minh hiệu quả điều trị cao với tác dụng giảm đau lẫn cải thiện triệu chứng bệnh rõ rệt. Hơn nữa, hầu như không có tác dụng phụ, việc sử dụng các phương pháp y học cổ truyền vừa nâng cao hiệu quả điều trị vừa tiết kiệm chi phí cho người bệnh gặp vấn đề về khớp gối.
Theo y học cổ truyền, người già hoặc người mắc bệnh lâu ngày khí huyết suy giảm dẫn đến can thận hư. Khi thận hư không làm chủ được cốt tủy, can huyết hư không nuôi dưỡng được cân sẽ làm cho xương khớp bị thoái hóa, gây đau khớp.
Điều trị đau khớp gối bằng bài thuốc
Trong Đông y, các bài thuốc chữa đau khớp gối không chỉ giúp cải thiện triệu chứng lâm sàng mà còn hỗ trợ tăng cường lưu thông khí huyết, đưa tà khí ra ngoài, mạnh gân xương và bổ can thận.
Tuy so với thuốc Tây, thuốc Đông y hiệu quả chậm hơn, tác dụng tương đối hạn chế hơn nhưng thường kéo dài, quan trọng là ít xảy ra hiện tượng phụ thuộc.
Một số bài thuốc chữa đau khớp gối từ y học cổ truyền:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị sinh địa, độc hoạt, đảng sâm, đương quy, ngưu tất bắc, đỗ trọng bắc mỗi thứ 12g, xuyên khung, tần giao mỗi thứ 8g, tế tân, cam thảo bắc và quế chi mỗi thứ 4g, bạch thược, phòng phong và phục linh mỗi thứ 10g, tang ký sinh 16g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 2: Dùng sinh địa, cây trinh nữ và hà thủ ô mỗi thứ 12g, quế chi 8g, thổ phục linh và cỏ xước mỗi thứ 16g, thiên niên kiện và lá lốt mỗi thứ 10g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 3: Dùng kê huyết đằng, đương quy, dạ giao đằng, tang chi, ngân hoa, tang ký sinh, liên kiều, ngưu tất, tần giao và hoàng kỳ mỗi thứ 20g, cam thảo và một dược mỗi thứ 10g. Sắc uống ngày dùng 1 thang, bài thuốc này thích hợp với người có đầu gối sưng đau, phù nề.
- Bài thuốc 4: Chuẩn bị sinh khương và phục linh mỗi thứ 20g, nhục quế và can khương mỗi thứ 10g, xương truật, bạch thược, hậu phác, bán hạ, bạch chỉ và xuyên khung mỗi thứ 12g, ma hoàng 16g, đương quy 30g, can địa hoàng 30g. Sắc uống ngày dùng 1 thang. Khi dùng bài thuốc này nên giữ ấm cơ thể và tránh tiếp xúc với không khí lạnh.
- Bài thuốc 5: Dùng quất hồng, tam lăng, thổ bối mẫu, nga truật và bạch giới tử mỗi thứ 9 – 15g, bạch cương tàm, ô dược và hậu phác mỗi thứ từ 6 – 12g, trầm hương 1.5 – 2g, đan sâm 15 – 30g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Xoa bóp, bấm huyệt chữa đau khớp gối
Xoa bóp, bấm huyệt là phương pháp giảm đau nhức có nguồn gốc từ y học cổ truyền. Cách thực hiện là dùng lực từ ngón tay, bàn tay tác động đến huyệt vị nhằm thúc đẩy tuần hoàn máu, giải ứ trệ giúp khí huyết lưu thông mạch lạc, giảm đau nhức và tê cứng khớp.
Các huyệt vị có khả năng giảm đau nhức khớp gối:
- Huyệt Huyết hải: Huyệt Huyết hải nằm ở mặt trước trong đùi, đo lên 2 thốn từ xương bánh chè đầu gối. Huyệt vị này nằm ở khe lõm giữa cơ rộng trong và cơ may khi ấn vào có cảm giác ê tức. Đặt ngón cái ở huyệt, 4 ngón còn lại áp tại đầu gối và tiến hành day ấn trong 1 – 2 phút.
- Huyệt Âm lăng tuyền: Huyệt Âm lăng tuyền nằm ở chỗ lõm được tạo thành bởi bờ sau trong đầu xương chày với đường ngang qua nơi lồi cao nhất của cơ cẳng chân nằm ở mặt trong đầu gối. Bấm huyệt vị trong 1 – 2 phút.
- Huyệt Ủy trung: Huyệt nằm ở giữa đường chỉ ngang nếp khoeo chân. Khi ấn huyệt vị này, nên dùng lực vừa sau đó gia tăng lực đến khi có cảm giác ê tức là được. Huyệt có tác dụng khu phong thấp, thông lạc, thư cân và thanh huyết.
- Huyệt Thừa sơn: Huyệt nằm ở giữa đường nối Huyệt Ủy trung với gót chân, ngay chỗ lõm giữa khe cơ sinh đôi trong và ngoài, bên dưới huyệt Ủy trung khoảng 8 tấc. Bấm huyệt từ 1 – 2 phút để giảm đau nhức và thúc đẩy khí huyết lưu thông.
- Huyệt Túc tam lý: Huyệt nằm cách bờ xương ống chân 1 tấc và đo xuống 3 tấc từ bờ ngoài xương bánh chè. Huyệt có tác dụng khu phong hóa thấp, điều hòa huyết áp, thông kinh lạc, điều trung khí và thúc đẩy khí huyết lưu thông.
Đối với trường hợp đau nhức nhiều và dai dẳng, có thể châm cứu để tác động sâu đến huyệt vị. Tuy nhiên, khi châm cứu nên lựa chọn cơ sở thăm khám và điều trị uy tín để tránh rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện.
Như Quỳnh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp