Cháy nắng ở trẻ em: Nguyên nhân và cách xử trí
Tình trạng cháy nắng ở trẻ em là khi trên da của bé bị thương tổn do tia UV từ ánh nắng mặt trời tác động lên. Lúc bấy giờ, trẻ sẽ cảm thấy bỏng rát, sưng tấy ở vùng da bị cháy nắng. Thậm chí, tệ hơn, nếu tình trạng cháy nắng nghiêm trọng, trẻ còn bị đau đầu, choáng váng, mệt mỏi và sốt cao.
Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng cháy nắng ở trẻ nhỏ và cách xử trí hiệu quả, an toàn cho bé.
Nguyên nhân gây ra cháy nắng ở trẻ em
Màu da của chúng ta được quyết định bởi hàm lượng sắc tố Melanin sản sinh trong cơ thể nhiều hay ít. Hàm lượng sắc tố này sẽ phụ thuộc vào gen di truyền ở từng người.
Khi da chúng ta tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cơ thể sẽ tự động bảo vệ sự tác động của tia UV gây hại cho da bằng cách gia tăng sản xuất Melanin. Các sắc tố Melanin lúc này sẽ ngăn không cho tia UV làm tổn thương tế bào da. Thế nhưng, khi cơ thể sản sinh quá nhiều sắc tố Melanin, làn da sẽ tối màu hơn và sạm dần đi.
Tình trạng cháy nắng ở trẻ em là trường hợp do bé tiếp xúc với tia UV từ ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, nhưng cơ thể lại không kịp sản sinh sắc tố Melanin để bảo vệ làn da. Theo các chuyên gia, hai loại tia UVA và UVB trong tia cực tím là tác nhân chính khiến cho da bị cháy nắng.
![Cháy nắng ở trẻ em - Nguyên nhân và cách xử trí 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Chay_nang_tre_em_nguyen_nhan_va_cach_xu_tri_1_b956ab18eb.jpg)
Các biến chứng khi trẻ em bị cháy nắng
Tình trạng cháy nắng ở trẻ em ở mức độ nhẹ, da của bé sẽ bị ửng đỏ và cảm giác nóng rát khi chạm vào. Mặc dù bạn đã tìm cách hạ nhiệt nhưng bé vẫn sẽ cảm thấy khó chịu ở vùng da bị cháy nắng.
Đối với trường hợp bé bị cháy nắng nghiêm trọng, làn da của trẻ sẽ bị sưng tấy, phồng rộp lên, đi kèm với nhiệt độ cơ thể tăng cao, mệt mỏi, buồn nôn, khó thở,... Nếu không được xử trí kịp thời sẽ để lại nhiều tổn thương vĩnh viễn cho cơ thể.
Ngoài ra, việc thường xuyên đế làn da bị cháy nắng sẽ còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiềm ẩn về da ở trẻ. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, tình trạng cháy nắng thúc đẩy sự phát triển của các gốc tự do, kích thích hình thành các khối u ác tính. Tia UV trong ánh nắng mặt trời không chỉ gây tổn hại làn da, mà còn có khả năng thay đổi gen, ức chế khối u. Vì vậy, các tế bào bị tổn thương do cháy nắng chưa kịp có thời gian hồi phục đã bị phát triển thành ung thư da.
Cách xử trí
Cháy nắng ở trẻ em dưới 12 tháng tuổi, phụ huynh cần đưa bé đến bác sĩ thăm khám càng sớm càng tốt. Bởi lẽ, ở độ tuổi này, làn da của bé còn rất mỏng manh và non nớt, dễ bị thương tổn nghiêm trọng khi cháy nắng.
Đối với các bé lớn hơn 1 tuổi, nếu sau khi bị cháy nắng, trẻ xuất hiện các triệu chứng như ớn lạnh, ngất xỉu, phồng rộp mụn nước, sưng tấy, đau nhức,... thì cha mẹ cũng nên đưa bé đi bệnh viện ngay.
![Cháy nắng ở trẻ em - Nguyên nhân và cách xử trí 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Chay_nang_tre_em_nguyen_nhan_va_cach_xu_tri_2_a92267b6a3.png)
Trong trường hợp cháy nắng ở trẻ em trên 2 tuổi ở mức độ nhẹ, bạn có thể thoa một lớp kem mỏng chứa thành chứa Hydrocortisone để giúp bé giảm đau.
Bạn tuyệt đối không sử dụng các loại kem thuốc thoa ngoài da có thành phần chứa dầu. Vì dầu sẽ khiến lỗ chân lông trẻ bít tắc, mồ hôi không thể thoát ra ngoài. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế dùng các loại kem bôi có thành phần chứa Benzocaine. Một số trẻ có cơ địa da nhạy cảm sẽ dễ bị kích ứng, dị ứng.
Nếu trẻ bị cháy nắng nghiêm trọng, làn da nổi nhiều nốt mụn bên trong chứa dịch lỏng, thì bé cần được đưa đi khám nhanh chóng. Trong thời gian đưa bé đến bệnh viện, bạn hãy dặn dò bé không gãi, bóp hoặc chà xát mạnh tay khiến mụn nước bị vỡ. Hành động này có thể gây nhiễm trùng da và để lại sẹo sau này.
![Cháy nắng ở trẻ em - Nguyên nhân và cách xử trí 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Chay_nang_tre_em_nguyen_nhan_va_cach_xu_tri_3_dc50c74458.jpg)
Sau khi trẻ bị cháy nắng, cha mẹ nên cho bé uống nhiều nước lọc, hoặc có thể thay thế bằng nước ép trái cây để bù đắp lại phần nước đã bị hao hụt. Nước ép trái cây không chỉ bổ sung điện giải cho bé, mà còn cung cấp nhiều dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng.
Ngoài những cách xử trí khi bị cháy nắng ở trẻ em, các bậc phụ huynh cũng nên thực hiện các phương pháp bảo vệ làn da của bé như thoa kem chống nắng, mặc quần áo dài tay chân, đeo khẩu trang, đội nón rộng vành,... khi ra đường. Ba mẹ đừng để bé bị cháy nắng rồi mới tìm mọi cách khắc phục, mà hãy bảo vệ da bé cẩn thận mỗi khi ra ngoài trời.
Trên đây là những thông tin cần thiết giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng cháy nắng ở trẻ em và cách xử trí hiệu quả, đúng đắn. Mong rằng các nội dung hữu ích được cung cấp trong bài sẽ giúp bạn có thêm kiến thức trong việc chăm sóc sức khỏe của trẻ nhỏ. Hãy xem việc bảo vệ làn da của bé không bị cháy nắng như một thói quen hàng ngày của mình.
Bảo Vân
Nguồn tham khảo: Tổng Hợp