Bệnh tay chân miệng cấp độ 1 điều trị như thế nào?
Bệnh tay chân miệng cấp độ 1 là mức độ nhẹ nhất, mới chớm phát triển của bệnh tay chân miệng. Có đủ kiến thức, cha mẹ hoàn toàn có thể xử lý cho trẻ tại nhà mà không cần tới bệnh viện.
Tay chân miệng có tốc độ lây lan rất nhanh chóng nếu cha mẹ không nắm được những kiến thức điều trị cũng như chăm sóc bé ngay cả đối với bệnh tay chân miệng cấp độ 1 – mức độ nhẹ nhất của bệnh. Dưới đây sẽ là những lời khuyên từ các bác sĩ dành cho các bé mắc bệnh tay chân miệng cấp độ 1 và hạn chế bệnh phát triển xấu đi.
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi. Phụ thuộc vào mức độ lây nhiễm cũng như thể trạng từng bé bệnh sẽ tác động với các cấp độ khác nhau.
1. Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng cấp độ 1
![Bệnh tay chân miệng cấp độ 1 điều trị như thế nào? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/benh_tay_chan_mieng_cap_do_1_1_dc313b8545.jpg)
Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở mỗi cấp độ lại khác nhau, ở cấp độ 1 thông thường các bé sẽ gặp những triệu chứng nhẹ nhất trong 3 cấp độ bệnh, bao gồm:
- Tổn thương da nhẹ
- Loét miệng bề ngoài chưa sâu và nghiêm trọng
2. Điều trị bệnh tay chân miệng cấp độ 1 như thế nào?
Nguyên tắc trong điều trị bệnh chân tay miệng cấp độ 1
Hiện nay vẫn chưa tìm ra được loại thuốc điều trị bệnh chân tay miệng đặc hiệu, vì vậy để kiểm soát tình trạng bệnh tốt nhất cha mẹ cần tuân thủ những điều sau:
![Bệnh tay chân miệng cấp độ 1 điều trị như thế nào? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/benh_tay_chan_mieng_cap_do_1_2_2f9e65618b.jpg)
- Theo dõi từng dấu hiệu thay đổi và phát hiện các biến chứng sớm để kịp thời điều trị.
- Cho trẻ ăn uống điều độ, cung cấp đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho trẻ chống chọi với bệnh.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và môi trường sống xung quanh.
- Vệ sinh đồ dùng và vật dụng của trẻ bằng nước sát khuẩn y tế.
- Cách ly trẻ bệnh với những trẻ lành để tránh bệnh lây lan và phát triển thành dịch.
Điều trị bệnh tay chân miệng cấp độ 1
Phương pháp điều trị cho bé bị tay chân miệng cấp độ 1 theo hướng dẫn cụ thể của các chuyên gia như sau:
![Bệnh tay chân miệng cấp độ 1 điều trị như thế nào? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/benh_tay_chan_mieng_cap_do_1_3_d2debc2fe5.jpg)
- Xử lý sốt: cứ 6 tiếng đồng hồ cho trẻ uống 1 liều Paracetamol 10 mg/kg/lần.
- Cung cấp cho trẻ chế độ dinh dưỡng đầy đủ: không nên ép bé ăn nếu bé không muốn, thay vào đó cha mẹ nên cho bé ăn thành từng bữa nhỏ để đảm bảo năng lượng cần thiết.
- Giữ vệ sinh chân tay và răng miệng thật sạch sẽ.
- Đưa trẻ đến bệnh viện tái khám 1 – 2 một lần trong 7- 10 ngày đầu phát bệnh.
- Nếu trẻ sốt thì phải đưa trẻ đi tái khám mỗi ngày cho đến khi hạ sốt ít nhất là 48 tiếng.
- Ngay lập tức đưa trẻ đến những cơ sở y tế gần nhất nếu xuất hiện triệu chứng: sốt cao quá 39 độ C, thở gấp gáp, khó thở, quấy khóc, nôn ói nhiều, khó ngủ, hay giật mình, đi đứng không vững, vân tím nổi trên da, chân tay lạnh, hôn mê, co giật…
Thông thường, bệnh tay chân miệng cấp độ 1 có thể tự khỏi sau 7 – 10 ngày mà không cần sử dụng đến thuốc kháng sinh. Vì thế cha mẹ không cần lo lắng, mà phải tỉnh táo, cân nhắc cách chăm sóc bé tại nhà hợp lý để tăng cường sức khỏe cho bé và ngăn cản bệnh phát triển xấu đi.
Linh Đan