6 sai lầm khi phòng chống dịch Covid-19 mà bạn nên tránh
Tuy nhiên, bên cạnh những khuyến cáo được Bộ Y tế đưa ra, người dân còn thường làm theo những mẹo vặt trên mạng xã hội dù chưa được kiểm chứng về độ an toàn. Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh nhưng nếu phòng bệnh sai cách thì không những làm mất nhiều thời gian công sức mà còn gây ra những hậu quả không đáng có.
Ăn tỏi, tiêu, ớt để chữa Covid-19?
Tỏi là một loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, có tính sát khuẩn mạnh, chống nhiễm trùng và có khả năng nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Trong tỏi chứa nhiều chất có khả năng làm giảm các triệu chứng cảm cúm, cảm lạnh thông thường nhưng chưa có một bằng chứng khoa học nào cho thấy tỏi là phương thuốc chữa được bệnh nguy hiểm như Covid-19. Không những thế nếu ăn quá nhiều tỏi sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày, thiếu máu và ảnh hưởng xấu đến mắt và gan.
Tương tự như tỏi, tiêu hay ớt cũng được cư dân mạng hô hào sử dụng như một phương pháp điều trị bệnh tự nhiên. Nhưng thực tế, ngoài tác dụng chính làm gia vị để nêm nếm vào đồ ăn nhằm tăng cảm giác ngon miệng thì tiêu và ớt hoàn toàn không thể phòng chống hay tiêu diệt virus SARS-CoV-2. Sử dụng tiêu ớt quá nhiều còn có thể gây nóng trong, mụn nhọt, lở miệng, loét dạ dày, thực quản,…
Ăn tỏi, tiêu, ớt để chữa Covid-19 là một sai lầm
Xịt chất khử trùng khắp người để diệt Virus
Với suy nghĩ nước rửa tay sát khuẩn có thể diệt vi khuẩn, virus gây bệnh nên nhiều người thường dùng các dung dịch khử khuẩn tay hay thậm chí là các dung dịch khử trùng đồ vật để phun xịt khắp người nhằm tiêu diệt virus Corona. Đây là một quan niệm vô cùng sai lầm.
Nước rửa tay y tế được điều chế theo công thức chuẩn khoa học, phù hợp để dùng với da tay nhưng chưa chắc sẽ an toàn với các vùng da nhạy cảm khác như da mặt, da vùng mắt,… Còn chưa kể đối với các loại dung dịch khử trùng đồ dùng, tính sát khuẩn rất mạnh và thường đi kèm những chất tẩy rửa trong thành phần nên sẽ gây nên các hiện tượng như dị ứng, nổi mẩn khi tiếp xúc hoặc sẽ tạo tổn thương khi rơi vào mắt.
Xịt chất khử trùng khắp người sẽ gây ra các hiện tượng như dị ứng, nổi mẩn
Chiếu tia cực tím để diệt Virus
Trong một số thí nghiệm khoa học, tia cực tím (UV) ở cường độ mạnh cho khả năng tiêu diệt virus. Tuy nhiên theo khuyến cáo của WHO, người dân không nên sử dụng tia cực tím chiếu trực tiếp lên bề mặt da của cơ thể vì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Tia cực tím là loại tia mạnh hơn nhiều lần so với tia sáng mặt trời, do vậy khi chiếu lên cơ thể, nó sẽ gây ra hiện tượng cháy nắng, làm bỏng da, tổn thương mắt hoặc thậm chí là ung thư da.
Ngoài ra, có vài loại đèn diệt khuẩn cực tím bán trên thị trường còn sản sinh ra ozone khi hoạt động, đây là chất gây hại cho phổi nên sẽ làm trầm trọng thêm các bệnh liên quan đến hô hấp ở người.
Uống rượu để ngừa Covid-19
Lầm tưởng này nảy sinh bởi nhiều người nghĩ rằng nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn được làm từ cồn có khả năng diệt virus SARS-CoV-2 và rượu cũng có công thức hóa học tương tự nên cũng có khả năng đấy, thậm chí còn cho rằng, nước sát khuẩn dùng được bên ngoài da còn rượu có thể uống, đi vào sâu trong cơ thể nên tác dụng diệt khuẩn được “toàn diện” hơn.
Thế nhưng lượng cồn trong dung dịch sát khuẩn phải tối thiểu là 60% mới phát huy khả năng phòng bệnh, trong khi đó độ rượu thường thấp hơn mức này rất nhiều. Đồng thời, hậu quả của việc uống nhiều rượu đến sức khỏe con người chắc hẳn ai cũng biết nên đây là một hiểu lầm tai hại mà mọi người nên tránh mắc phải.
Uống rượu để ngừa Covid-19 là một sai lầm mà mọi người không nên mắc phải
Tự ý dùng Chlorquine
Chlorquine là loại thuốc dùng để điều trị sốt rét và đang được thử nghiệm khả năng điều trị với người bệnh Covid-19 ở một số ít quốc gia. Tuy nhiên kết quả đem lại vẫn chưa đủ sức thuyết phục để có thể khẳng định đây là loại thuốc có thể chữa khỏi Covid-19.
Do đó người dân không nên tự ý mua Chlorquine về dùng khi không thông qua chỉ dẫn của bác sĩ. Dùng Chlorquine ở liều cao có thể gây rối loạn nhịp đập của tim, hôn mê hay thậm chí là tử vong.
Nhiệt độ cao đẩy lùi Covid
Nhiều người cho rằng tắm nước nóng, phơi nắng hay di chuyển đến những nơi có thời tiết khô nóng sẽ khiến virus không sinh sôi được. Đây là suy nghĩ không có căn cứ khoa học.
Thực tế cho thấy loài người là động vật hằng nhiệt với cơ thể luôn duy trì ổn định ở mức 37-40°C và SARS-CoV-2 vẫn tăng lên nhanh chóng khi xâm nhập vào vật chủ. Do vậy dù có đi đến những vùng có khí hậu nóng hơn, tắm nước nóng hay phơi nắng cả ngày đi nữa thì cũng không có tác dụng đáng kể nào đối với việc tiêu diệt virus gây bệnh mà còn dẫn đến nguy cơ bỏng da không đáng có.
Tắm nước nóng để đẩy lùi Covid -19 cũng là một hiểu nhầm
Trên đây là 6 sai lầm thường gặp trong quá trình phòng và chữa trị Covid-19 mà Nhà thuốc Hà An tổng hợp được. Mọi người cần tỉnh táo, cân nhắc cẩn thận khi làm theo những phương pháp chống Corona chưa qua kiểm định, đồng thời nghiêm túc thực hiện quy tắc 5K của Bộ Y tế: “ Khẩu trang- Khử khuẩn- Khoảng cách- Không tập trung- Khai báo y tế” để giữ vững sức khỏe cho bản thân và cộng đồng trong mùa dịch này.
Hoàng Trang
Nguồn tổng hợp