5 lý do gây sốc nhiệt khi tắm
Tắm tưởng chừng như là một hoạt động bình thường hàng ngày. Tuy nhiên tắm có thể dẫn đến những nguy cơ khôn lường, trong đó có tình trạng sốc nhiệt khi tắm. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này cũng như cách phòng ngừa hiệu quả.
5 nguyên nhân gây sốc nhiệt khi tắm
Tắm nước quá lạnh
Đa số mọi người đều nghĩ rằng, mùa hè thì nên tắm nước lạnh để hạ nhiệt cơ thể. Nước càng lạnh sẽ càng đem lại sự sảng khoái. Tuy nhiên, tắm nước quá lạnh sẽ làm cho nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột, khiến cho lỗ chân lông và vi mạch dưới da bị co lại. Điều này làm ảnh hưởng đến tuần hoàn máu. Nước tắm nên ở nhiệt độ khoảng 20-25 độ C là thích hợp nhất để tắm vào mùa hè.
![Tắm nước quá lạnh sẽ làm cho nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/5_ly_do_gay_soc_nhiet_khi_tam_1_192328ea51.jpg)
Tắm khi vừa đi ngoài nắng về hoặc khi vừa chơi thể thao xong
Sau khi đi ngoài trời nắng hoặc khi vừa mới chơi thể thao xong, nhiệt độ cơ thể rất cao, và tạo cảm giác bức bối. Thế nên nhiều người thường có thói quen đi tắm vào lúc này. Tuy nhiên, việc này sẽ gây ra những biến chứng khôn lường. Bởi vì khi đó, nhiệt độ cơ thể đang ở mức cao, các lỗ chân lông đang mở rộng. Từ đó, hơi nước dễ dàng ngấm qua lỗ chân lông vào cơ thể. Điều này có thể dẫn đến ho, sốt, viêm phổi,... thậm chí có thể dẫn tới sốc nhiệt khi tắm, đột quỵ.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, bạn nên đợi ít nhất khoảng 20 phút để mồ hôi khô trên cơ thể rồi mới tắm.
Tắm khuya
Nhiều người có thói quen tắm khuya trong mùa hè. Bởi vì họ cho rằng tắm như vậy sẽ tạo cảm giác mát mẻ, giúp cơ thể dễ chịu hơn khi ngủ, đặc biệt là người trẻ. Tuy nhiên, việc tắm quá khuya, khi nhiệt độ môi trường và nhiệt độ nước đã giảm xuống sẽ làm cho các mạch máu bị co lại, ảnh hưởng tới hệ tuần hoàn tuần hoàn và gây sốc nhiệt khi tắm.
![Khi nhiệt độ môi trường và nhiệt độ nước đã giảm xuống sẽ làm cho các mạch máu bị co lại gây sốc nhiệt khi tắm](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/5_ly_do_gay_soc_nhiet_khi_tam_2_cf1fbe194e.jpg)
Tắm sau khi uống rượu
Khi lượng cồn trong máu cao, thận phải hoạt động mạnh để bài tiết và việc này tiêu hao một lượng lớn glucozo. Lúc này, cơ thể sẽ phải luân chuyển lượng đường đến các bộ phận nhằm đảm bảo việc bài tiết chất độc ra ngoài.
Nếu tắm vào lúc này sẽ làm giảm lượng đường huyết. Từ đó dễ dẫn tới cảm sốt, nguy hiểm hơn là gây ra tình trạng vỡ mạch máu.
Tắm khi vừa mới ăn no
Khi vừa mới ăn xong, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể tiêu hóa thức ăn. Tắm ngay sau khi ăn no sẽ làm quá trình lưu thông máu xuống các cơ quan tiêu hóa bị ảnh hưởng. Bởi vì máu phải tập trung ở bề mặt cơ thể khi tắm. Điều này làm rối loạn bài tiết và ngăn cản quá trình trao đổi chất cũng như chức năng tiêu hóa của cơ thể. Về lâu dài còn dẫn tới các bệnh về dạ dày, đường ruột.
Ngăn ngừa hiện tượng sốc nhiệt khi tắm
![Sấy tóc để tránh cho cơ thể bị nhiễm lạnh](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/5_ly_do_gay_soc_nhiet_khi_tam_3_bb9392c854.jpeg)
Để ngăn ngừa tình trạng sốc nhiệt khi tắm, bạn phải thực hiện theo một số lời khuyên sau đây:
- Để tránh những rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe, bạn nên tạo thói quen tắm sớm trước 22 giờ, sau đó lau khô và sấy tóc để tránh cho cơ thể bị nhiễm lạnh.
- Trong trường hợp bắt buộc phải tắm đêm muộn sau 22 giờ, bạn cần lưu ý không dội nước lên đầu một cách quá đột ngột. Bởi vì điều này dễ khiến cho cơ thể bị hạ nhiệt đột ngột, gây ra sốc nhiệt và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Cách tắm đúng là làm ướt người dần dần theo thứ tự từ dưới lên trên để cơ thể quen dần với nhiệt độ.
- Không nên tắm trong thời gian quá lâu, nhất là các thời điểm có nhiệt độ môi trường thấp hoặc những ngày mà thời tiết lạnh như mùa đông.
- Khi tắm xong không nên để đầu ướt trước khi ngủ. Hãy sấy khô đầu hoặc không gội đầu khi tắm vào ban đêm. Việc này sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đau đầu.
- Sau khi tắm, tuyệt đối không ra gió hoặc vào phòng máy lạnh nhiệt độ quá thấp. Đây là cách tránh việc thay đổi nhiệt độ đột ngột cơ thể không kịp thích nghi.
- Ngoài ra, không nên để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp. Việc thay đổi trạng thái cơ thể từ nhiệt độ cao sang môi trường có nhiệt độ thấp sẽ gây choáng váng cho cơ thể. Khi ở trong phòng điều hòa, nhiệt độ không đủ cao để cho mồ hôi bốc hơi, do đó mồ hôi dễ dàng thấm ngược lại và gây cảm lạnh. Không chỉ vậy, mạch máu có thể bị co đột ngột gây nên tình trạng tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ.
Để ngăn ngừa những tình trạng không hay xảy ra như đột quỵ hay sốc nhiệt khi tắm thì bạn cần xây dựng được thói quen tắm khoa học. Hy vọng bài viết này có thể giúp bạn có thêm thông tin hữu ích về tình trạng sốc nhiệt khi tắm.
Ngọc Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp